THUA THÌ PHẢI HỌC, THẮNG THÌ CÀNG PHẢI HỌC - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

THUA THÌ PHẢI HỌC, THẮNG THÌ CÀNG PHẢI HỌC - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng một 15, 2018 - 20:03
Tháng tư 20, 2024 - 15:55
 0  14
THUA THÌ PHẢI HỌC, THẮNG THÌ CÀNG PHẢI HỌC - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

“Tôi giữ được vị trí số 1 suốt 20 năm liền vì tôi biết rằng dù đã là người chiến thắng, thì vẫn phải không ngừng học hỏi”, Kasparov chia sẻ.

Đừng bao giờ ngủ quên trên chiến thắng

Ở tuổi 22, Garry Kasparov đã trở thành nhà vô địch cờ vua nam trẻ nhất thế giới vào năm 1985, một kỷ lục mà cho tới nay vẫn chưa ai phá vỡ được. Sau đó, ông lại lập thêm một kỷ lục vô tiền khoáng hậu nữa là liên tục giữ vị trí đứng đầu bảng xếp hạng của Liên đoàn Cờ vua Thế giới (FIDE) trong vòng 20 năm liền từ 1986 tới 2005. Đâu là nhân tố để đại kiện tướng này giữ vững ngôi vương trong làng cờ vua lâu tới vậy?

Nhân tố đó đơn giản chỉ là “học, học nữa, học mãi”. Kasparov chia sẻ: “Nhiều người nghĩ rằng nếu những gì họ làm đã mang lại kết quả tốt trong quá khứ và vẫn có hiệu quả trong hiện tại, thì chẳng cần thay đổi gì cho tương lai. Đó là suy nghĩ cực kỳ sai lầm, vì đơn giản là những người bạn từng đánh bại sẽ học hỏi để có đối sách mới. Tôi giữ được vị trí số 1 suốt 20 năm liền vì tôi biết rằng dù đã là người chiến thắng, thì vẫn phải không ngừng học hỏi”.

Đừng để máy tính suy nghĩ thay

Khi nói về đề tài so sánh trí lực giữa con người và máy tính, chắc chắn ít ai có nhiều kinh nghiệm đặc biệt như Kasparov. Ông từng đánh bại dàn siêu máy tính Deep Blue của hãng IBM trên bàn cờ vua vào năm 1996 với tỷ số đầy thuyết phục 4-2. Tới năm 1997, ông chỉ chịu thua Deep Blue 2 (là phiên bản nâng cấp toàn diện của Deep Blue) vào ván đấu cuối cùng, sau khi đã cầm hòa được dàn siêu máy tính trong 5 ván liên tiếp.

Đâu là yếu tố khiến cho Kasparov, với khả năng tính toán 3 nước đi trong 1 giây, có thể đối đầu ngang ngửa với dàn siêu máy tính Deep Blue 2 có khả năng tính toán tới 300 triệu nước đi trong 1 giây?

Theo Kasparov, điều quan trọng nhất làm nên sự khác biệt giữa trí tuệ con người so với máy tính chính là trực giác, điều mà hệ thống logic thuần túy của máy tính không thể nào làm được. Chính vì vậy, một doanh nghiệp muốn thành công thực sự thì bên cạnh việc xây dựng các hệ thống tính toán dữ liệu khổng lồ để phân tích, còn cần phải đào tạo một đội ngũ lãnh đạo biết cách sử dụng trực giác của mình để ra quyết định.

Với kinh nghiệm đào tạo nên nhà vô địch cờ vua thế giới hiện nay là Magnus Carlsen, Kasparov chia sẻ thêm: “Những kỳ thủ trẻ tuổi cần được trực tiếp lắng nghe những kiện tướng kỳ cựu nói về bản chất của cuộc chơi, về nguyên lý của từng thế khai cuộc và tư duy đằng sau từng nước đi. Có những điều không thể học được chỉ bằng cách nhìn vào màn hình máy tính.”

Theo (NCĐT)