TỔNG HỢP Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GDPT TỔNG THỂ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

TỔNG HỢP Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GDPT TỔNG THỂ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 5 25, 2017 - 23:07
Tháng sáu 28, 2024 - 10:10
 0  16
TỔNG HỢP Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GDPT TỔNG THỂ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Đến ngày 20/5/2017, Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, nhiều cá nhân thuộc nhiều tổ chức xã hội trong và ngoài ngành, nhiều bài báo phân tích về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Dưới đây là tổng hợp các ý kiến.

Ngày 12/4/2017, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sau đây gọi tắt là Chương trình tổng thể) đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Đến ngày 20/5/2017, Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, trong đó có các thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức, cá nhân và 63/63 sở Giáo dục và Đào tạo; đồng thời trên các tờ báo lớn đã có khoảng 200 bài viết và khoảng 400 ý kiến chia sẻ dưới các bài viết.
1. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo Chương trình tổng thể và cho rằng dự thảo Chương trình tổng thể đã quán triệt các quan điểm, tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ (*), thể hiện quyết tâm đổi mới ngành Giáo dục, cụ thể:
1.1. Chương trình tổng thể đã kế thừa, phát huy ưu điểm của các Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) trước đây, đồng thời có nhiều điểm mới so với CT GDPT hiện hành, tiếp cận xu hướng quốc tế về xây dựng CT GDPT.
1.2. Chương trình tổng thể có những nội dung đổi mới mang tính đột phá như xác định những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh; xây dựng những môn học và hoạt động giáo dục có tính tích hợp khá hợp lý và khoa học; cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm…
1.3. Chương trình tổng thể được xây dựng theo hướng mở, đảm bảo thống nhất về những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục, điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
1.4. Chương trình tổng thể đã nêu khái quát các điều kiện tối thiểu về cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện được CT GDPT mới. Đây là căn cứ để đầu tư đảm bảo triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) mới thành công.
2. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, nhất trí với dự thảo, cũng còn những ý kiến phản biện,đề nghị giải thích, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo chương trình, tập trung chủ yếu vào các vấn đề sau:
2.1. Về hệ thống môn học và hoạt động giáo dục:
a) Nên phân chia các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình mới thành 2 loại: bắt buộc và tự chọn (thay thế cho 4 loại trong dự thảo chương trình tổng thể), đồng thời trong kế hoạch giáo dục của mỗi cấp học tách riêng các môn học với các hoạt động giáo dục.
b) Rà soát, điều chỉnh hệ thống và tên môn học, hoạt động giáo dục cùng với phân bổ thời lượng giáo dục bảo đảm tính khoa học, khả thi, tường minh, dễ hiểu, dễ nhớ và giảm tải cho học sinh.
c) Thực hiện dạy học phân hóa từ lớp 10; điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc, tự chọn ở các lớp 10, 11, 12 bảo đảm thống nhất theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện Việt Nam; điều chỉnh cách thức học sinh tự chọn môn học để vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh vừa có tính khả thi đối với khả năng vận dụng linh hoạt của nhà trường.
2.2. Về thời lượng giáo dục:
a) Nên quy định thời lượng 1 tiết học thống nhất từ lớp 1 đến lớp 5: trung bình mỗi tiết học 35 phút (thay thế quy định trong dự thảo chương trình tổng thể: mỗi tiết học cho các lớp 1, 2 từ 30 phút đến 35 phút, cho các lớp 3, 4 và 5 từ 35 phút đến 40 phút).
b) Điều chỉnh giảm thời lượng/năm học của một số môn học bảo đảm thời lượng giáo dục trung bình của các lớp trong chương trình mới không cao hơn chương trình hiện hành.
c) Điều chỉnh kế hoạch giáo dục hướng tới dạy học 2 buổi/ngày nhưng phải bảo đảm cho các trường chỉ có điều kiện dạy học 5 buổi/tuần (tối đa 25 tiết/tuần) vẫn thực hiện được đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc thống nhất trong toàn quốc, đồng thời chương trình có phần mở dành cho các trường tổ chức học 2 buổi/ngày ở các địa phương có các điều kiện đảm bảo.
2.3. Về điều kiện thực hiện chương trình mới:
Cần giải thích rõ việc đã và đang chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện được chương trình mới.
2.4. Về lộ trình thực hiện:
Có những ý kiến còn băn khoăn hiện nay đang xây dựng chương trình tổng thể, tiếp theo còn xây dựng chương trình môn học và biên soạn sách giáo khoa. Vậy có kịp triển khai áp dụng CT, SGK mới từ năm học 2018-2019 theo Nghị quyết của Quốc hội không.
3. Ban soạn thảo trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho dự thảo Chương trình tổng thể. Ban soạn thảo giải trình và dự kiến tiếp thu một số vấn đề theo hướng:
3.1. Chương trình tổng thể sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong thời gian vừa qua, tạo sự đồng thuận từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các nhà khoa học trong và ngoài ngành Giáo dục, các tầng lớp nhân dân, học sinh và phụ huynh học sinh; đảm bảo định hướng, yêu cầu đổi mới CT GDPT, tiếp cận được các xu hướng mới, đồng thời hài hòa giữa yêu cầu, mong muốn và điều kiện thực hiện của địa phương và cơ sở giáo dục phổ thông.
3.2. Hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục sẽ được rà soát, chỉnh sửa bảo đảm tính khoa học, liên thông, đồng bộ và khả thi; điều chỉnh tên môn học, hoạt động giáo dục và cách phân loại bảo đảm tường minh, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ; số lượng môn học, số tiết từng môn học điều chỉnh theo hướng giảm tải. Trong đó:
a) Ở cấp tiểu học, điều chỉnh thiết kế chương trình hướng tới dạy học 2 buổi/ngày nhưng sẽ bảo đảm cho các trường chỉ có điều kiện dạy học 5 buổi/tuần vẫn thực hiện được đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc thống nhất trong toàn quốc, đồng thời chương trình có phần mở dành cho các trường học 2 buổi/ ngày ở các địa phương có các điều kiện đảm bảo.
b) Ở cấp trung học cơ sở, môn học và hoạt động giáo dục sẽ được thiết kế đảm bảo tính tiếp nối, kế thừa cấp tiểu học và đáp ứng yêu cầu giai đoạn giáo dục cơ bản và phân luồng sau trung học cơ sở.
c) Ở cấp trung học phổ thông, thực hiện dạy học phân hóa từ lớp 10; điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc, tự chọn ở các lớp 10, 11, 12 bảo đảm thống nhất theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện Việt Nam; điều chỉnh cách thức học sinh tự chọn môn học để vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh vừa có tính khả thi đối với khả năng vận dụng linh hoạt của nhà trường.
3.3. Về điều kiện thực hiện chương trình mới:
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong cả nước, trên cơ sở đó sẽ tiến hành các bước tiếp theo về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như có phương án bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó ưu tiên tận dụng cơ sở vật chất sẵn có.
3.4. Về lộ trình thực hiện CT, SGK mới:
Việc xây dựng CT, SGK mới theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Chính phủ đã và đang được tiến hành theo kế hoạch tổng thể. Quá trình triển khai thực hiện bám sát lộ trình đề ra song không nóng vội, duy ý chí mà đặt ưu tiên cao nhất là đảm bảo chất lượng, hiệu quả của chương trình.
—————
(*)Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới CT, SGK GDPT.
Trung tâm Truyền thông giáo dục
Nguồn: Bộ Giáo dục và đào tạo