Văn 8: CÂU CHUYỆN 'CÔ BÉ BÁN DIÊM' VÀ NIỀM TIN VÀO THIÊN ĐƯỜNG CHO NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG THIỆN - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Văn 8: CÂU CHUYỆN 'CÔ BÉ BÁN DIÊM' VÀ NIỀM TIN VÀO THIÊN ĐƯỜNG CHO NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG THIỆN - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 9 20, 2019 - 22:59
Tháng tư 28, 2024 - 13:25
 0  125
Văn 8: CÂU CHUYỆN 'CÔ BÉ BÁN DIÊM' VÀ NIỀM TIN VÀO THIÊN ĐƯỜNG CHO NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG THIỆN - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng thế giới người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích. Truyện của Andersen vừa mơ mộng tưởng tượng lại vừa hiện thực. Thế giới nhân vật trong truyện của ông vừa có những con người trong đời thực ở mọi tầng lớp, vừa có những nhân vật tưởng tượng hoặc lạ lùng như: nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết…, vừa có những đồ vật, đồ chơi ngộ nghĩnh như chú lính chì, đồng silinh bạc, con lợn ống tiền…, lại có cả động thực vật như chim họa mi, chim thiên nga, cây lúa mạch, cây thông…

Phong cách ấy biến những câu chuyện cổ tích của ông thành một dạng giống như ngụ ngôn. Truyện của ông đầy chất thơ và tưởng tượng phong phú nên cuốn hút trẻ nhỏ. Nhưng dưới hình thức mơ mộng ấy, nó hàm chứa cái nhìn sâu sắc và nhân ái của Andersen về cuộc đời, về con người, về tôn giáo với những triết lý nhân sinh thâm thúy rất hấp dẫn cả người lớn. Đó là yếu tố biến truyện cổ tích Andersen trở thành độc nhất vô nhị trong kho tàng cổ tích của nhân loại.

Người viết bài tin rằng, từ khi có truyện “Cô bé bán diêm”, không ít thế hệ trẻ thơ của nhân loại đã từng rơi lệ khi đọc câu chuyện này. Trẻ thơ vốn giàu lòng trắc ẩn.

Người viết cũng từng nghĩ rằng đây là một câu chuyện buồn cho đến gần đây. Thực ra, đây không hẳn là một câu chuyện buồn. Nói đúng hơn thì có thể mượn lời của một nhà văn: “Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn, nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”.

Cuộc đời của cô bé bán diêm gặp thật nhiều nghịch cảnh, đặc biệt xót xa trong đêm giao thừa. Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người dẹp hết mọi công việc, trở về với gia đình đầm ấm, bên lò sưởi ấm áp, cùng chén món ngỗng quay thơm nức và ngắm cây thông Noel tuyệt đẹp trong ánh nến lung linh. Họ đang mơ ước về một năm mới nhiều hạnh phúc và may mắn. Thì khi ấy, cô bé bán diêm nghèo khổ chỉ mong có ai mua giúp một bao diêm, hoặc bố thí cho em chút đỉnh để em có thể về nhà mà không bị cha phạt đòn.

Nhưng không có ai như thế cả. Món hàng em bán là những bao diêm, thứ mang tới ngọn lửa, sự ấm áp và sinh khí cho mọi ngôi nhà, nhưng bản thân em thì dầm mình trong gió rét căm căm, với đôi chân trần tím bầm vì tuyết lạnh, bụng đói mốc meo. Và cái cơ thể bé bỏng ấy càng trở nên mong manh giữa thiên nhiên khắc nghiệt và lòng người lạnh giá.

Nhưng về nhà thì có hơn gì. Cũng vẫn đói, rét thế thôi. Còn cô đơn và buồn khổ hơn vì thứ đợi em ở đó không chỉ có đói rét mà là những lời chửi rủa và đòn roi của người cha nghiệt ngã. Thực ra, cái ổ chuột rét mướt và thiếu vắng tình thương đó cũng đâu thể gọi là nhà.

Điều tuyệt vời trong sáng và can đảm ở cô bé bán diêm là em không hề khóc than cũng không oán hận với người cha, với người đời vô tình, lạnh lẽo. Em cũng không van xin lòng thương xót của ai. Em cứ mải miết đi làm nhiệm vụ của mình. Mệt quá thì nghỉ và mơ ước.

Cô bé tội nghiệp mơ về những ngày còn hạnh phúc và no đủ với bà nội trong ngôi nhà xinh xắn phủ dây trường xuân. Em còn mơ được sưởi ấm, được ăn, được sống trong không khí gia đình ấm áp như bất cứ một cô bé bình thường nào trong đêm giao thừa như lẽ thường phải thế.

3 cây diêm cháy đã giúp em có được niềm vui ấy, dẫu nó chỉ là ảo ảnh vụt hiện vụt biến xen lẫn với hiện thực tàn khốc. Nhưng trải nghiệm từ cây diêm cháy thứ tư và những que diêm tiếp sau nữa thì không phải ảo ảnh. Trong giây phút linh hồn sắp rời bỏ thân thể ấy, thì em đã được gặp bà mình.

Ba cây diêm cháy đã giúp em có được niềm vui ấy, dẫu nó chỉ là ảo ảnh vụt hiện vụt biến xen lẫn với hiện thực tàn khốc.

Người phương Tây theo Cơ Đốc Giáo tin rằng, những người sống hiền hậu, ngoan đạo, tin và làm theo lời Chúa đến khi chết sẽ được đón lên thiên đường. Là một người có đức tin Cơ Đốc, Andersen luôn luôn tin vào thiên đường trong những tác phẩm của ông.

Trong những tín ngưỡng Á Đông, những người lương thiện đã chịu khổ trong kiếp này là một hình thức trả nghiệp. Điều đón chờ họ sau khi qua đời là những điều tốt đẹp.

Với những người không tin vào thiên đường, thì đó là một ảo ảnh. Người ta chỉ tin vào điều mắt họ nhìn thấy: một cô bé nằm chết bên bao diêm rỗng, đơn giản là nó chỉ muốn sưởi ấm. Nhưng đêm trước, nhiều người trong số họ cũng đã nhìn thấy mảnh đời bất hạnh, nhỏ nhoi mà sự sống chỉ còn le lói trong thiên nhiên lạnh giá. Và họ đã làm ngơ. Không biết băng tuyết và lòng người, thứ nào lạnh hơn nữa.

Cho nên, điều họ không có diễm phúc được nhìn thấy là cảnh tượng huy hoàng lúc hai bà cháu hồi thăng. Điều đáng buồn thuộc về họ, vì thiên đường mãi mãi đóng cửa với những trái tim lạnh giá. Còn cô bé thì đâu còn gì đáng buồn, nợ đời đã trả xong, giờ em lại được đoàn tụ với người bà thân yêu nơi vĩnh viễn không còn đau khổ. Trên môi em thoáng nở một nụ cười mãn nguyện, một hạnh phúc ít người hiểu được.

Đã 170 năm trôi qua từ khi truyện “Cô bé bán diêm” ra đời, nhưng trên thế gian này vẫn còn rất nhiều các “cô bé bán diêm” khác. Có điều các em không bán diêm nữa. Có em bán kẹo chewing gum, có em bán vé số… nhưng các em cũng nghèo khổ và cơ cực không kém gì “cô bé bán diêm” của Andersen.

Chỉ mong rằng, mỗi chúng ta – những người may mắn hơn, khi tình cờ gặp cảnh ngộ của các em thì hãy động lòng trắc ẩn mà giúp đỡ trong khả năng của mình. Để trong tâm hồn chúng ta không còn chỗ cho băng tuyết, mà chính là ngọn lửa ngày càng ấm áp, được nuôi lớn lên và lan rộng mãi từ những que diêm bé nhỏ.

Lí Chình