Ý kiến của chuyên gia giáo dục về việc dừng tuyển sinh cấp THCS tại trường chuyên

Trước thông tin Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được yêu cầu dừng tuyển sinh hệ THCS từ năm nay, bên cạnh việc không ít người tỏ ra tiếc nuối muốn giữ lại thì nhiều chuyên gia giáo dục lại có quan điểm riêng.

ITIT
Tháng tư 28, 2022 - 16:13
Tháng 5 3, 2024 - 16:40
 0  8
Ý kiến của chuyên gia giáo dục về việc dừng tuyển sinh cấp THCS tại trường chuyên

Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa "tuýt còi" việc tuyển sinh hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Theo Bộ GD&ĐT, việc này do Luật Giáo dục quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Ngoài ra, thông tư về trường THPT chuyên cũng yêu cầu "không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên". Do đó, việc ngừng tuyển sinh là đương nhiên.

Không riêng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ở Hà Nội, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ở TP.HCM cũng tồn tại hệ THCS trong nhiều năm qua.

Thông tin trên đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những phụ huynh có con năm nay thi lớp 6 đã dành nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để con ôn luyện. Không ít ý kiến phụ huynh muốn giữ lại, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, việc dừng tuyển sinh hệ này là tuân thủ quy định pháp luật, giúp học sinh giảm bớt áp lực không cần thiết.

Hệ THCS có nên tồn tại trong các trường chuyên?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Sức khoẻ và Đời sống, ThS. Nguyễn Diệp Ngọc (Trường ĐH Thủ đô Hà Nội) cho rằng, đề xuất dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là theo đúng quy định. Tuy nhiên, đề xuất này lại đưa ra khá sát với thời gian tuyển sinh lớp 6 năm 2024 khiến không ít phụ huynh và học sinh lớp 6 chuẩn bị cho kế hoạch thi chuyên băn khoăn và lo lắng khi đã chuẩn bị rất lâu cho kỳ thi này.

"Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu kỹ phương án trước khi "xoá bỏ" hệ chuyên cấp THCS ở một số trường đặc thù để tránh gây hoang mang và ảnh hưởng tâm lý học sinh. Thêm đó, các cơ quan chủ quản cần xây dựng thêm một số quy chế riêng trong việc tuyển sinh đối với hệ thống trường THCS chuyên đang tồn tại". Nếu "xoá bỏ" hệ này thì hướng đào tạo tiếp theo của các trường đó sẽ như thế nào để phù hợp với nhu cầu của xã hội cũng như tạo nguồn cho cấp học cao hơn", ThS. Nguyễn Diệp Ngọc nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Cao Hằng (ĐH Quốc gia Hà Nội) băn khoăn, tại sao trong 15 năm qua kể từ khi Hà Nội tổ chức tuyển sinh, đào tạo hệ THCS trong trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam mà chưa có đơn vị chức năng nào "tuýt còi" hay yêu cầu thực hiện theo quy định.

Những mô hình giáo dục ngược với quy định, luật thì cần đánh giá tác động xã hội và xem xét trách nhiệm quản lý của từng cấp. Giáo dục tiểu học, THCS đang được phổ cập, cần sự công bằng, không nên có sự khác biệt hay cơ chế đặc thù. "Nếu Hà Nội có cơ chế đặc thù mở lớp 6 trong trường THPT chuyên thì các địa phương khác cũng sẽ xin cơ chế riêng, khi đó rất khó quản lý".

Đồng quan điểm, PGS.TS. Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc dừng khối THCS trong trường chuyên không ảnh hưởng gì đến việc thiếu địa chỉ giáo dục chất lượng cao ở địa phương đó.

Ví dụ, hiện riêng ở Hà Nội, có rất nhiều trường chất lượng cao, chưa kể nhiều trường học khác cũng đang trong tiến trình thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng. Những trường học đó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giáo dục của người dân. "Không chỉ Hà Nội, tất cả các địa phương đều phải tuân thủ quy định không có trường THCS chuyên, không có hệ không chuyên trong trường chuyên. Hiện nay, việc "không tuyển sinh lớp không chuyên" cũng đang là một vấn đề cần tất cả các trường chuyên thực hiện".

Còn theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục cần có chính sách lâu dài, ổn định trong tuyển sinh để phụ huynh yên tâm, an lòng. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm nào cũng tuyển sinh lớp 6 rất căng thẳng, tỉ lệ chọi cao, áp lực cho học sinh luyện thi rất lớn. "Do đó, theo luật và cả thực tiễn, tôi cho rằng việc dừng tuyển sinh bậc THCS là đúng và việc này cần phải làm từ rất lâu rồi".

PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Chúng ta phải thừa nhận rằng đưa ra quyết định dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là tuân thủ Luật Giáo dục 2019 và cũng là cách thức để đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục. Ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật, yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với các trường THPT chuyên có nhiều mặt tích cực. Bởi, nếu duy trì hệ THCS trong các trường THPT chuyên, xu hướng chạy theo thành tích rất dễ diễn ra, nhất là đối với học sinh từ lứa tuổi tiểu học, khi trẻ phải đối mặt với những áp lực từ quá sớm.

Chính yêu cầu khắt khe đối với hệ THCS tại Trường THCS chuyên Hà Nội - Amsterdam đã vô tình dẫn đến áp lực học tập cho trẻ, dẫn đến áp lực phải chuẩn bị các điều kiện học bạ, thậm chí luyện thi để đỗ. Điều này đang đi ngược với chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như xu thế phát triển trên thế giới - giáo dục phát triển năng lực phẩm chất".

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, hiện nay, nhiều phụ huynh có tâm lý cho rằng trường chuyên, trường chất lượng cao là tốt, đảm bảo trẻ có tương lai thành công. Vì vậy, dù mất nhiều thời gian, công sức, họ vẫn muốn tìm mọi cách từ học thêm, luyện thi để con có thể đỗ vào. Tuy nhiên, tương lai một đứa trẻ không phụ thuộc 100% vào ngôi trường, bởi ngôi trường chỉ là một phương tiện chứ không phải là tất cả điều kiện cần và đủ. Trẻ cần có mục tiêu, động lực học tập nhưng quan trọng, việc học tập phải là niềm vui, niềm say mê chứ không phải "cày ngày cày đêm, không có nghỉ hè" để đạt được mục tiêu, đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ.

"Nhiều phụ huynh tiếc công sức học tập của con nếu không được thi vào trường Ams, nhưng thực tế, việc học không bao giờ là thừa. Nếu không thi, kiến thức, năng lực của con vẫn ở đó, không mất đi đâu cả. Việc của phụ huynh là tìm môi trường phát triển toàn diện năng lực của trẻ, thay vì chỉ tập trung vào một ngôi trường và cho rằng đó là số 1, là mục tiêu duy nhất", PGS.TS. Trần Thành Nam phân tích.

Căn cứ nào tiếp tục đề xuất tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam?

Mặc dù theo quy định không được tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ đề xuất phương án giữ ổn định việc tuyển sinh lớp 6 của nhà trường trong năm học tới.

Hằng năm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là một kỳ thi được xem là gay cấn bởi độ khó. (Ảnh: Phụ huynh đưa con đi thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam).

Sở dĩ có đề xuất này là căn cứ pháp lý, trong đó hệ THCS chất lượng cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được thực hiện theo Luật Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội cũng dẫn một căn cứ khác nữa, đó là Quyết định số 5029/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc thí điểm hệ THCS đào tạo trình độ cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Tờ trình Liên Sở gồm GD&ĐT, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và đầu tư về việc phê duyệt Đề án thí điểm hệ THCS theo hướng đào tạo trình độ cao, chất lượng cao của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Mô hình Đề án xây dựng thí điểm hệ THCS theo hướng đào tạo trình độ, chất lượng cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã được phê duyệt năm 2009.

Cũng theo Sở GD&ĐT, việc thực hiện khối THCS trong Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã duy trì nhiều năm nay và đạt kết quả tốt trong tạo nguồn học sinh có chất lượng. Đơn vị đánh giá, hệ THCS đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hệ tạo nguồn chủ yếu cho các lớp chuyên THPT đạt thành tích rất ấn tượng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Đó là việc đổi mới cách dạy học và phát hiện, bồi dưỡng sớm nhân tài nhằm chuẩn bị lực lượng tạo nguồn, sẵn sàng cho việc đào tạo học sinh tham gia vào các đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế ở hệ THPT…