BÀI THUYẾT TRÌNH CỦA LỚP 6A VỀ CUỐN SÁCH: DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

BÀI THUYẾT TRÌNH CỦA LỚP 6A VỀ CUỐN SÁCH: DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng sáu 12, 2017 - 09:54
Tháng tư 17, 2024 - 17:15
 0  1885
BÀI THUYẾT TRÌNH CỦA LỚP 6A VỀ CUỐN SÁCH: DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Dế Mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài

Đã từ lâu hình ảnh chú Dế Mèn đã trở nên vô cũng thân thuộc với thế hệ trẻ Việt Nam. Hơn 70 năm trôi qua, không chỉ các bạn nhỏ mà ngay cả người lớn cũng háo hức, say mê, cũng bị lôi cuốn bởi từng trang sách.

Nhà văn Tô Hoài là một cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả của hàng trăm cuốn sách. Trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” viết cho thiếu nhi từ những năm trước cách mạng. Ban đầu truyện có tên là “Con Dế Mèn”phát hành năm 1941. Sau đó năm 1955, Tô Hoài viết thêm 7 chương cuối của truyện và gộp 2 chuyện vào với nhau để thành truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” như ngày nay.

Truyện gồm 10 chương, kể về những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới muôn màu muôn vẻ của những loài vật nhỏ bé.

  • Chương 1: Kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.
  • Chương 2 – 9: Kể về những cuộc phiêu lưu của Mèn, với người bạn đường làDế Trũi.
  • Chương 10: Kể về việc Mèn cùng Trũi về nhà và nghỉ ngơi, dự tính cuộc phiêu lưu mới.

Theo bước chân của Dế Mèn, chúng ta sẽ được lạc vào thế giới loài vật gần gũi, thân thương với toàn những con vật gắn chặt với đời sống thôn quê dân dã như: bác Xiến Tóc, Võ sĩ bọ ngựa, Châu Chấu Voi, Ếch Cốm, Chuồn Chuồn…Tô Hoài đã “vẽ” nên một thế giới với muôn vàn những tình cảm mới lạ, những ham thích thiết thực và đầy phiêu lưu, những rung động tinh tế trước vẻ đẹp cuộc đời và thiên nhiên.

Chú Dế Mèn mà tôi biết vốn là một chú dế cường tráng nhưng bướng bỉnh, kiêu ngạo và hung hăng hay đi bắt nạt người khác. Dưới con mắt Dế Mèn, Dế Choắt chỉ là một kẻ yếu ớt, xấu xí gầy lêu nghêu như một “gã nghiện thuốc phiện”. Dế Mèn luôn chê anh chàng này lười nhác, ngu dốt, hôi như cú mèo. Không chỉ có Dế Choắt, Dế Mèn còn tỏ ra thái độ ngang ngược hỗn láo với chị Cốc dù trêu chị chú đều sợ đến mức chui tọt và hang nhưng thái độ vẫn rất kiêu ngạo: “ …mày ghè vỡ đầu mày ra không chui nổi vào tổ tao đâu!”.

Thậm chí Mèn đã vô tình gây tai họa khiến người láng giềng tội nghiệp phải ra đi mãi mãi. Lời trăn trối của Dế Choắt, mãi là bài học dành cho Dế Mèn và mọi người: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ , sớm muộn gì rồi cũng mang vạ vào mình đấy!”. Bài học đắt giá của Dế Mèn đã nhắc nhở chúng tôi sống biết mình, biết ta, có thái độ đúng mực. Đặc biệt khi phạm lỗi lầm, phải biết ăn năn hối cải về những khuyết điểm của mình trong cuộc sống.

Mang theo mình bài học đường đời đầu tiên, Dế Mèn quyết chí đi chu du thiên hạ, làm những việc có ý nghĩa. Dế Mèn từng là một anh chàng kiêu căng, hỡm hĩnh, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của Dế Mèn vẫn luôn có lòng nhân hậu, cậu có tính thương người, thấy chuyện bất bình chẳng tha. Trên đường về quê hương, Dế Mèn đã cứu giúp chị Nhà Trò xóa bỏ hiềm khích, cùng họ nhà Nhện vui vẻ như xưa. Tôi rất thích nhân vật Dế Mèn trong chương truyện này, bởi tôi hiểu được tình cảm được cho đi là rất đáng quý. Thầy cô vẫn thường nói với chúng tôi: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Trên chuyến hành trình của mình, Dế Mèn kết tình anh em cùng Dế Trũi – một người bạn tốt, giỏ võ, vui tính. Họ cũng nhau chu du khắp thế gian. Lúc Trũi bị mất tích, Mèn buồn bã, nhiều lần Mèn ngửa mặt vào không, gọi tên Trũi thảm thiết. Khi đọc chương truyện này, tôi đã rất xúc động. Tôi rất thương Dế Mèn và Dế Trũi, cảm phục tình cảm mà các bạn dành cho nhau. Đúng là phải qua khó khăn, thử thách mới hiểu hết được nhau, thêm yêu quý và tôn trọng nhau. Nếu cuộc sống này không có tình bạn, thì thật sự rất lẻ loi, cô độc.

Bên cạnh người bạn đường tri kỉ, Dế Mèn chu du đến vương quốc đầm lầy của đại vương Ếch Cốm và thầy đồ Cóc. Cư dân ở đây bằng lòng với cuộc sống trong bùn lầy nước đọng, họ tự thỏa mãn với cuộc sống đói nghèo tăm tối và khép kín. Ấy thế mà chỉ vì sự nghịch ác và coi thường xung quanh, Mèn và Trũi suýt bỏ mạng ở cái xứ ảm đạm ấy.

Rời vương quốc Đầm Lầy, họ đến với làng Cỏ May – vương quốc của côn trùng có cánh – cao ráo, đầy ánh sáng. Cư dân ở đây cởi mở, hiếu khách, giàu tinh thần thượng võ, luôn mơ ước về một cuộc sống hòa bình. Tới đây, Mèn và Trũi không chỉ được tiếp đón nồng nhiệt mà còn gặp đươc những người bạn vô cùng tốt bụng và cùng chung chí hướng.

Rồi những người anh em bắt đầu hành trình tới vương quốc Kiến. Họ hàng nhà kiến tuy bé nhỏ nhưng vô cùng chăm chỉ, đoàn kết. Họ xây đắp thành lũy kiên cố nhằm chống lại mọi kẻ thù xâm phạm nhưng lại rất hiếu khách, sẵn sàng mở rộng của đón những người bạn tốt.

Nhờ họ hàng nhà Kiến mà Dế Mèn đã làm được một việc hết sức ý nghĩa. Đó là kêu gọi các loài vật kết tình anh em. Việc làm này đã khiến cho các loài vật trở nên đoàn kết, đồng sức đồng lòng. Thế giới bỗng trở nên tươi đẹp hơn, cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn với đầy tình yêu thương, chia sẻ.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có lúc là một chú Dế Mèn trẻ con, bồng bột, sai lầm, ích kỷ, vấp ngã,… nhưng rồi chúng ta sẽ thay đổi và trưởng thành theo thời gian và những trải nghiệm từ cuộc sống. Chúng tôi là những đứa trẻ, chắc chắn trong đường đời của mình, sẽ có những vấp ngã rồi mới trưởng thành được. Nhưng tôi sẽ học tập Dế Mèn, học sự tự tin và những cố gắng sửa chữa lỗi lầm, học sự chia sẻ, tốt bụng của chú. Những điều ấy, sẽ khiến cho chúng tôi có những niềm vui và thành công trong cuộc sống.