CÁC DẠNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VÀ GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI ĐỌC - HIỂU - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CÁC DẠNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VÀ GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI ĐỌC - HIỂU - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng Hai 22, 2023 - 10:48
Tháng tư 15, 2024 - 08:35
 0  2646
CÁC DẠNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VÀ GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI ĐỌC - HIỂU - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Phần đọc – hiểu văn bản thường gặp các dạng câu hỏi sau:

Dạng 1: Xác định chủ đề, nội dung chính của văn bản

Gợi ý cách làm bài:Xác định chủ đề phải căn cứ vào các từ ngữ lặp đi, lặp lại nhiều lần; mối liên hệ, gắn kết giữa các ý, các vế, các câu (cùng nói về vấn đề gì, nhấn mạnh điều gì ?)

Dạng 2: Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ (BPTT)

Gợi ý cách làm bài:Câu trả lời phải nêu được các ý:

Tên gọi của BPTT? BPTT đó thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh, cách nói nào? (chỉ rõ biểu hiện, minh chứng).

Nêu tác dụng của việc sử dụng BPTT trong văn bản (Đây là nội dung khó trình bày. HS cần bám sát văn bản vì sử dụng BPTT chủ yếu là làm nổi bật nội dung chính của văn bản).

Một số kiến thức bổ trợ – các BPTT thường gặp:

BPTT ngữ âm:Tạo nhịp điệu và âm hưởng cho câu văn, câu thơ; Điệp âm: một phụ âm đầu được lặp lại nhiểu lần; Điệp vần: một vần được lặp lại; Điệp thanh: một dấu thanh được lặp lại; Hài thanh: sự hài hòa, linh hoạt trong việc phối hợp các thanh điệu.

Tác dụng chung của các BPTT này là làm cho câu văn, câu thơ có sự nhịp nhàng, trầm bổng, có những hiệu ứng, cảm giác về âm thanh, tạo tính nhạc, khơi gợi cảm xúc .

Các biện pháp tu từ từ vựng:

Nhân hóa:(biến thành, trở nên như con người) lấy những từ ngữ chỉ tâm trạng, suy nghĩ của con người để dùng cho những sự vật vô tri vô giác (đồ vật, con vật, cây cỏ…)

Ví dụ Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm (Quê Hương – Tế Hanh)

Câu thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa “im”; “nằm”, chiếc thuyền như một người lao động biết trở về bến nghỉ ngơi sau một chuyến ra khơi đầy mệt nhọc. Từ đó, thấy được chiếc thuyền như những người bạn thân thiết của ngư dân làng chài.

So sánh:đối chiếu hai sự vật, hai hình ảnh với nhau, thường có các từ ngữ so sánh: như, tựa, bằng… theo mô hình “A như B”.

Ví dụ: Mặt trời xuống biển như hòn lửa. (Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận)

Câu thơ sử dụng thủ pháp so sánh “mặt trời” với “hòn lửa”, có tác dụng gợi tả màu sắc rực rỡ huy hoàng cùng cảm giác ấm áp, gần gũi.

Ẩn dụ:(so sánh ngầm) Dùng sự vật này để chỉ sự vật kia, giữa chúng có điểm giống nhau (tương dồng) nhưng đã ẩn đi vế được so sánh (vế A).

Ví dụ: “Lại đi, lại đi trời xanh thêm” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Câu thơ sử dụng BPTT ẩn dụ ở hình ảnh “trời xanh thêm ” như là biểu tượng cho hi vọng, cho hòa bình, cho tương lai chiến thắng một ngày không xa. Đồng thời, nó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn lạc quan, yêu đời, ý chí chiến đấu đầy quyết tâm và lý tưởng cao đẹp của người lính. Họ dũng cảm đi tới vì nền hòa bình dân tộc.

Hoán dụ:dùng sự vật hình ảnh này để chỉ hình ảnh, sự vật khác và gữa chúng có quan hệ gần gũi (tương cận), thường đi kèm với nhau.

Ví dụ: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Câu thơ sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ ở hình ảnh “một trái tim”, là hình ảnh hoán dụ cho người lính lái xe. Thể hiện sự nhiệt huyết, tình yêu nước, quyết tâm chiến đấu vì miền Nam cũng như tinh thần lạc quan, sôi nổi của sức trẻ. Đây cũng là hình ảnh kết bài đầy ấn tượng, từ đó ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, ý chí của người lính lái xe Trường Sơn.

Lưu ý: Cách phân biệt ẩn dụ và hoán dụ: Trước hết là xác định được hai vế A và vế B. Nếu hai vế này đặt được vào mô hình so sánh “A như B” nhưng ẩn đi vế A thì đó là ẩn dụ. Không đặt được vào mô hình A như B là hoán dụ .

Chẳng hạn: Người cha mái tóc bạc / Đốt lửa cho anh nằm” (Đêm nay Bác không ngủ- Minh Huệ)

Trong câu thơ này Bác Hồ (vế A) được so sánh vời người cha (vế B) vì Bác cũng dành tình thương bao la vô bờ bến cho các anh bộ đội, cho nhân dân như tấm lòng người cha dành cho con. Ta có thể đặt vào cấu trúc “A như B” nhưng vế A đã ẩn đi (ngầm); thì đó là ẩn dụ.

Hoặc: “Áo nâu liền với áo xanh / Nông thôn cùng với thị thành đứng lên”

Áo nâu và áo xanh là trang phục hằng ngày gần gũi với người nông dân và người công nhân (tương cận). Ta không thể đặt vào mô hình: A như B (không thể viết: Áo nâu như người nông dân) nên đây là BPTT hóan dụ.

Nói giảm, nói tránh:sử dụng cách nói nhẹ nhàng, tế nhị làm giảm mức độ nặng nề của vấn đề .

Ví dụ: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” (Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

Câu thơ sử dụng BPTT nói giảm nói tránh ở từ “thăm” để vơi bớt đi nỗi đau thương mất mát và cũng để cho thấy Bác còn sống mãi với dân tộc Việt Nam.

Nói quá (thậm xưng, ngoa ngữ, cường điệu, phóng đại):cách nói quá sự thật nhằm một dụng ý nhất định như: nhấn mạnh, tạo ấn tượng, mỉa mai …

Ví dụ : “Xách búa đánh tan năm bảy đống/ Ra tay đập bể mấy trăm hòn” (Đập đá ở Côn Lôn – Phan Châu Trinh)

Câu thơ nói quá ở cụm từ “đánh tan năm bảy đống”; “đập bể mấy trăm hòn” nhằm gây ấn tượng về hình tượng người anh hùng lừng lẫy và có sức mạnh phi thường trước khó khăn, thử thách.

Điệp từ, điệp ngữ:Trong một câu, một đoạn văn, thơ có một hay nhiều từ ngữ được lặp lần nhiều lần (ít nhất là hai lần).

Ví dụ: “Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Câu thơ sử dụng điệp từ “nhìn” ba lần nhằm nhấn mạnh cái nhìn bao quát “nhìn đất, nhìn trời”, nhìn trực diện “nhìn thẳng” của người lính khi lái xe, đó chính là bản lĩnh vững vàng, sự tự tin đối diện trực tiếp với những khó khăn, thử thách của chiến tranh khốc liệt. Từ đó ngợi ca ý chí, sự dũng cảm, tâm hồn lạc quan của những người lính lái xe.

Biện pháp tu từ cú pháp:bao gồm các biện pháp: liệt kê, câu hỏi tu từ, điệp cấu trúc câu, chêm xen, im lặng …Trong đó thường gặp là liệt kê, câu hỏi tu từ, điệp cấu trúc câu.

Liệt kê:kể, nêu lên nhiều sự vật, sự việc, hình ảnh liên tiếp nhau.

Ví dụ: “Cá nhụ, cá chim cùng cá đé” (Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận)

Tác giả liệt kê các loài cá nhằm làm nổi bật vẻ đẹp phong phú, giàu có của biển cả.

Điệp cú pháp: một kiểu câu, một dạng cấu trúc được lặp lại nhiều lần (điệp cấu trúc, lặp cấu trúc).

Ví dụ: “Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” (Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh )

Câu văn sử dụng BPTT điệp cấu trúc câu “Dân tộc đó phải được …” để tạo giọng văn hùng hồn, mạnh mẽ , khẳng định một cách dứt khoát quyền được tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.

Câu hỏi tu từ:mượn hình thức câu hỏi để nhằm một mục đích khác như: bộc lộ cảm xúc, gợi suy nghĩ cho người đọc …

Ví dụ: “Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối / Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan” (Nhớ rừng – Thế Lữ)

Câu thơ tuy là lời hỏi nhưng chứa đầy cảm xúc luyến tiếc về quá khứ oai hùng của con hổ nơi rừng già.

Dạng 3: Xác định phương thức biểu đạt

Gơi ý:Các phương thức biểu đạt thường gặp:

Miêu tả: Tái hiện, giúp người đọc hình dung về đường nét, màu sắc, kích thước, vẻ ngoài… của sự vật, hiện tượng.

Biểu cảm: bộc lộ cảm xúc, thái độ, tâm trạng của người nói, người viết.

Tự sự: kể lại các sự viêc, sự kiện xảy ra theo một trình tự.

Nghị luận: bày tỏ ý kiến, quan điểm của người viết về một vấn đề bằng các lí lẽ, dẫn chứng.

Thuyết minh: giới thiệu, trình bày về một đối tượng nhất định.

Lưu ý: một văn bản có thể có nhiều phương thức biểu đạt

Dạng 4: Nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, ý nghĩa nhan đề

Câu hỏi nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ cần nhớ được năm sáng tác từ đó xác định hoàn cảnh đất nước và hoàn cảnh của tác giả khi viết tác phẩm đó.

Câu hỏi lí giải ý nghĩa nhan đề của văn bản cần:
+ Giải thích được nghĩa tường minh của nhan đề: Đặt ra và trả lời câu hỏi: A là gì?
+ Xác định nghĩa hàm ẩn (nghĩa biểu tượng) của nhan đề. Muốn vậy, phải đặt nhan đề trong mối liên hệ với nội dung, đối tượng được đề cập trong văn bản,

Dạng 5: Xác định thể thơ

Thể thất ngôn: mỗi câu 7 chữ;

Thể ngũ ngôn: mỗi câu 5 chữ;

Thể thơ tự do: số câu trong bài, số chữ trong câu, gieo vần, ngắt nhịp và giọng thơ thoải mái, linh hoạt, không theo quy định, Đây là thể thơ thường gặp trong thơ hiện đại.

Dạng 6: Sửa các lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả

Trong dạng này, chủ yếu nhấn mạnh sắp xếp câu (cần sắp xếp theo quan hệ nội dung, logic giữa các câu). Khi sắp xếp xong cần đọc lại để kiểm tra.

Các lỗi về dùng từ: Thừa từ; lặp từ; dùng từ không rõ nghĩa; dùng từ không đúng nghĩa, không đúng ngữ cảnh.

Các lỗi về chính tả: t/c;n/ng/tr/t;/dấu hỏi/dấu ngã;ô/o…(chú ý các từ mà bản thân cho là có vấn đề, có cảm giác thấy lạ, có sự nghi hoặc…

Dạng 7: Câu hỏi trình bày cảm nhận và phân tích về một chi tiết, hình ảnh, một từ ngữ, hoặc một câu trong đoạn văn bản cần :

  • Xác định được nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật mà bản thân cảm nhận được qua chi tiết, hình ảnh đó.
  • Phân tích, lí giải được nó đặc sắc ở chỗ nào?(Phân tích các yếu tố từ nghệ thuật đến nội dung, liên hệ với đời sống, bản thân…)
  • Thể hiện được cảm xúc chân thực của mình qua cách diễn đạt… (Tránh lối viết sáo rỗng, hô khẩu hiệu)

Để biết thêm thông tin chi tiết về trường THCS Đào Duy Từ quý vị phụ huynh liên hệ theo số điện thoạivăn phòng THCS Đào Duy Từ: (024)35545231

Thông tin tuyển sinh xem tại:Tuyển sinh

Link đăng kí tuyển sinh Online:ĐĂNG KÍ TUYỂN SINH

Thông tin giới thiệu về nhà trường xem tại:THCS ĐÀO DUY TỪ