CẦN LÀM RÕ CHỦ TRƯƠNG TÍCH HỢP “3 THẦY 1 SÁCH” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CẦN LÀM RÕ CHỦ TRƯƠNG TÍCH HỢP “3 THẦY 1 SÁCH” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 11 6, 2017 - 23:04
Tháng 8 1, 2024 - 08:24
 0  22
CẦN LÀM RÕ CHỦ TRƯƠNG TÍCH HỢP “3 THẦY 1 SÁCH” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Thời gian qua, một tâm điểm đã thu hút sự quan tâm của dư luận về giáo dục, đó là chủ đề về tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đã có nhiều những ý kiến băn khoăn lo ngại về chủ trương này.

Vì thế, cần thiết phải có sự trao đổi và làm rõ về chủ trương này về mặt khoa học cũng như một thực tế đang đặt ra cho một chương trình giáo dục, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới đang được từng bước xây dựng và cần hoàn thiện.

Trong khoa học giáo dục nói chung, đặc biệt là khoa học về các môn học, sự tách biệt và khác biệt là đặc trưng riêng của từng bộ phận khoa học khác nhau, tạo ra sự riêng biệt cho các bộ môn và ngành khoa học đó.

Khi đó, sự phân biệt và tách biệt đến từng chi tiết đã làm nên cái chất đặc trưng riêng của các phần khoa học khác nhau.

Tuy nhiên, trong sự đa dạng của vật thể, sinh học tự nhiên và xã hội luôn có những điểm giao kết hay điểm nối giữa các phần cấu trúc trong một hệ thống theo một chỉnh thể thống nhất, nhưng cũng đa dạng về kiểu cách.

Do đó, khi xét cho yêu cầu giáo dục, đặc biệt là về mặt sư phạm và chuyên môn giảng dạy, để giúp cho người học-học sinh có thể hiểu được toàn diện, tường tận, thấu đáo và chi tiết của từng vấn đề, có sự mở rộng về quan điểm, tư tưởng và tư duy thì cần thiết phải sự tích hợp kiến thức theo các yêu cầu khác nhau của đa môn học hay trong nội bộ một môn học.

Vậy, tích hợp là gì? Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học năm 2004 định nghĩa:

Tích hợp là lắp ráp, nối kết các thành phần của một hệ thống theo quan điểm tạo nên một hệ thống toàn bộ.

Tuy nhiên, định nghĩa này đã thể hiện một tính chất cơ học và có sự trừu tượng, vì thế khi áp dụng trong lĩnh vực giáo dục là không phù hợp. Bởi kiến thức thì không thể có sự lắp ráp.

Đặc biệt, có những vấn đề thuộc về kiến thức và nhận thức mà khi học sinh học nếu không có sự tiếp cận, làm quen hay được tìm hiểu ở môn học này thì học sinh sẽ không thể tiếp cận để học được ở môn học khác, hay ứng dụng, phát triển cho môn học đó.

Do đó, tích hợp trong giáo dục được hiểu là sự lồng ghép, đan xen các phần kiến thức nhằm đảm bảo sự kết nối, liên hoàn theo một mạch trong một chỉnh thể của quá trình nhận thức và tư duy cho học sinh.

Vấn đề tích hợp được đặt ra là do trong quá trình học tập, học sinh phải có sự tiếp cận kiến thức một cách khái quát và tổng quát từ nhiều phần kiến thức khác nhau thì mới có thể có sự hiểu biết và thẩm thấu kiến thức.

Và học sinh có thể hiểu được toàn diện, tường tận, thấu đáo, kỹ càng và đầy đủ trong học tập.

Thí dụ, khi nói về quá trình quang hợp của cây xanh, mặc dù đây là vấn đề của bộ môn Sinh học nhưng để hiểu đầy đủ và tường tận về quá trình đó thì người học phải nắm được các chất trong quá trình quang hợp cùng với sự thay đổi đã xảy ra liên quan đến các phản ứng hóa học giữa các chất nên khi đó lại là vấn đề của môn Hóa học.

Hay, khi cần giảng giải rõ về nhân vật Chí Phèo trong môn Ngữ văn khi đó các thầy cô giáo sẽ phải sử dụng đồng thời kiến thức của các môn học như Hóa học, Tâm lý, Sinh học và Tâm thần học để phân tích và làm rõ về trạng thái say và nghiện, cũng như hình tượng văn học của nhân vật này.

Ở đây, có một vấn đề đặt ra trong một sự tiếp cận là, một trong những bất cập của chương trình giáo dục cũ đã gây trở ngại cho sự tiếp nhận kiến thức của học sinh chính là sự không thống nhất về mặt thời gian cũng như dung lượng kiến thức trong sự phân bố các phần kiến thức.

Cụ thể, thí dụ ở môn Vật lý theo chương trình lớp 12, thì ngay từ đầu năm, khi học về dao động cơ học học sinh phải nắm được về phương trình vi phân.

Nhưng phương trình vi phân lại là một phần Toán học mà học sinh chỉ được học trong chương trình của môn Toán học cao cấp ở bậc Đại học.

Cho nên học sinh đã tiếp nhận vấn đề này một cách máy móc theo kiểu ghi nhớ thuần túy mà thực chất là không thể hiểu bài.

Hay ở môn Sinh học theo chương trình lớp 10, để nắm được bài học về “Hô hấp tế bào” nhưng học sinh phải sử dụng kiến thức Hóa học của lớp 11 và 12 thì mới hiểu được đúng vấn đề…

Do đó, việc tích hợp kiến thức để đảm bảo được sự ráp nối về nội dung, theo đó học sinh sẽ nắm được bài học khi nhìn từ góc độ này là rất cần thiết.

Như thế, sự tích hợp kiến thức trong các môn học đang đặt ra hiện nay là rất cần thiết bởi chúng ta cần thoát ra khỏi một nền giáo dục mang nặng về tư tưởng, có tính áp đặt và nặng nề về khuôn mẫu.

Bởi lẽ, nếu hiểu một cách đơn giản, học sinh chỉ có thể hiểu và nắm bắt được một vấn đề kiến thức khi mà phải biết được các vấn đề liên quan khác.

Bởi, nói tới khoa học là nói tới tính có sở, căn cứ, logic và sự hợp lý của vấn đề, khi đó nội dung kiến thức được đưa ra sẽ được công nhận và có thể thuyết phục được số đông.

Theo đó, các cụ nhà ta ngày xưa đã có những câu: “nói phải củ cải cũng phải nghe” hay “ nói có sách, mách có chứng”. Nghĩa là, đã là khoa học thì phải có cơ sở, căn cứ, sự kết nối và nối tiếp nhau.

Chủ trương tích hợp trong giảng dạy không phải là một tinh thần mới đối với giáo dục Việt Nam.

Nhưng chủ trương này chính thức được cụ thể hóa trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, mà Khung chương trình đã được thông qua.

Theo đó, theo quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới thì chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có sự tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.

Trong đó, sẽ có sự tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành một môn Khoa học tự nhiên; 2 môn Lịch sử, Địa lý thành 1 môn Lịch sử và Địa lý ở bậc Trung học cơ sở; hai môn Mỹ thuật và Âm nhạc thành môn Nghệ thuật ở bậc Trung học phổ thông.

Vì thế, cần thiết phải có sự trao đổi lại về sự tích hợp này.

Thứ nhất, về quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là có sự tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.

Bởi lẽ, sự tích hợp là nhằm đảm bảo sự liên thông và kết nối giữa các phần kiến thức với nhau.Phải khẳng định rằng, đây là một quan điểm sai lầm và phản khoa học, bởi cách nhìn phiến diện và vội vàng về vấn đề.

Có thể hiểu là các kiến thức khi tích hợp sẽ được vận động, gắn kết liên hoàn, tuy sẽ làm lớn và phức tạp vấn đề hơn nhưng trong một chỉnh thể thống nhất.

Do đó, để tiếp nhận được những kiến thức này, học sinh phải có một “cái đầu đủ lớn” nói theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Như thế, chúng ta đều biết, bấy lâu nay hiển nhiên là khi học sinh càng học lên cao thì những kiến thức cần phải học càng lớn và phức tạp.

Việc tích hợp cao kiến thức cho học sinh ở lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên là đi ngược lại và phản khoa học.

Ở các lớp học cao, học sinh có thể vừa học vừa mở rộng và vừa chuyên sâu kiến thức, hay nói cách khác là học sinh cần được học theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Vì thế, quan điểm tích hợp cho chương trình giáo phổ thông mới ở đây sẽ phải là:

Đồng thời có sự tích hợp và phân hóa dần lên tử các lớp học dưới cho tới các lớp học trên mới là chính xác và đảm bảo được những hiệu quả của giáo dục.

Thứ hai, về chủ trương tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành một môn Khoa học tự nhiên ở bậc Trung học cơ sở và hai môn Mỹ thuật và Âm nhạc thành môn Nghệ thuật ở bậc Trung học phổ thông.

Theo đó, trên thực tế, ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học có những phần giao thoa, trùng lặp kiến thức là không nhiều, nghĩa là không có sự xuyên suốt giữa các mạch kiến thức để chúng ta có thể tích hợp liên môn.

Vì thế, do sự tách biệt và khác biệt bởi sự đặc thù về mặt khoa học nên đây là ba môn riêng biệt được gọi chung là các môn Khoa học tự nhiên.

Tuy thế, ở ba môn học này cùng có những điểm giao chung nhất định mà học khi không nắm được những kiến thức đó sẽ không thể hiểu và nắm được bài học, vì thế vẫn cần phải có sự tích hợp kiến thức.

Việc tích hợp ở đây phải mang tính tuần tự, theo một mạch phù hợp về mặt thời gian để học sinh có thể tiếp nhận với những kỹ năng mà khi viết sách phải được sử dụng riêng.

Khi đó, cần phải có sự nghiên cứu đối với những nội dung cụ thể trong các bài học để tìm cách tích hợp hợp lý cho mỗi môn học chứ không thể qua một vài trao đổi là có thể giải quyết được.

Đây là một yêu cầu lớn được đặt ra đối với giáo dục Việt Nam hiện nay, mà ngay khi trả lời phỏng vấn, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới cũng chưa làm rõ được với yêu cầu này.Vì thế, để giải quyết được vấn đề tích hợp thì đòi hỏi phải có giáo viên nắm được kiến thức tổng hợp với kỹ năng giảng dạy đa môn.

Và giải pháp ở đây có thể được được đưa ra là sẽ có một môn học tích hợp với Sách giáo khoa riêng nhằm giải quyết những vấn đề kiến thức thuộc về liên môn của chủ đề này.

Vì thế, rất cần có sự nghiên cứu tổng thể về nội dung các môn học cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó là việc tích hợp hai môn Âm nhạc và Mỹ Thuật thành một môn chung là môn Nghệ thuật.

Trên thực tế, đây là hai môn học đòi hỏi nhiều về năng khiếu và là hai môn học tách biệt với điểm chung là những môn nghệ thuật.

Mỗi một môn học này đều có những đặc trưng riêng và chỉ có một điểm chung là đều đòi hỏi học sinh phải có sự cảm thụ và cảm nhận.

Trên thực tế, hai môn học này có nội hàm với những kiến thức khác nhau.

Nếu như đặc trưng của môn Âm nhạc là các nốt nhạc và âm thanh thì đặc trưng của môn Mỹ thuật là màu sắc và tạo khối.

Về mặt chuyên môn sâu, khi trong họa có nhạc và trong nhạc cũng có họa, nhưng đó là một sự đòi hỏi rất cao về sự cảm thụ thì mới thể cảm nhận được.

Vì thế, chỉ với điểm chung là tính hình tượng về cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật thì không thể tích hợp hai môn học này lại được.

Đó là chưa kể đến yêu cầu đặt ra đối với học sinh phổ thông chỉ mang tính cơ bản khi tiếp nhận những môn học này, bởi đây là hai môn học đòi hỏi học sinh nhiều ở năng khiếu.

Vì thế, trong cách nhìn nhận hiện nay, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học chỉ có thể được gọi chung là các môn Khoa học tự nhiên và các môn Âm nhạc, Mỹ thuật được gọi chung là môn Nghệ thuật chứ không thể có sự tích hợp chung thống nhất.

Trên thực tế, nội dung kiến thức có sự tương giao gặp rất nhiều ở các môn học trong chương trình phổ thông mà khi học sinh không nắm được kiến thức ở môn học này thì không thể tiếp cận và nắm được kiến thức ở môn học khác.

Thí dụ, Ngữ văn là môn học có mặt ở hầu hết các môn học và nhiều kiến thức ở các môn học khác cũng được sử dụng cho việc giảng dạy cho môn học này.

Hay, nhiều kiến thức Toán học có mặt ở hầu hết các môn Khoa học tự nhiên.

Vì thế, để có thể tích hợp được kiến thức, cần phải cái nhìn tổng thể và toàn diện, thấu đáo về các nội dung kiến thức.

Đây là một vấn đề lớn và khó nên không vội vàng, nếu không sẽ làm cho vấn đề đã rối lại càng rối thêm.

Trên đây là một số quan điểm về chủ trương tích hợp cho chương trình giáo dục phổ thông mới, về một vấn đề lớn và phức tạp, rất mong có được sự quan tâm để cùng được trao đổi và chia sẻ, để chúng ta cùng đóng góp và xây dựng cho một nền giáo dục hoàn bị trong tương lai, với mục đích là tất cả vì học sinh thân yêu và sự phát triển tương lai của con em chúng ta.

Thuận Thanh