CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC VỀ HỌC SINH “CÁ BIỆT” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC VỀ HỌC SINH “CÁ BIỆT” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng tư 20, 2017 - 14:34
Tháng tư 14, 2024 - 12:47
 0  162
CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC VỀ HỌC SINH “CÁ BIỆT” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Trước tệ nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, Chuyên mục Tâm sự học đường xin gửi tới bạn đọc một câu chuyện có thật từ lời kể của GS. TS Hồ Ngọc Đại: Chuyện về cậu học sinh “đầu gấu” và căn “biệt thự” tặng thầy giáo cũ. Câu chuyện dưới đây là tấm gương sáng giúp học sinh răn mình và giúp các bậc phụ huynh cùng suy ngẫm, trải nghiệm và soi vào chính mình để rút kinh nghiệm trong cách giáo dục con trẻ.

“Tôi không nhớ rõ đó là năm nào nữa. Chuyện xảy ra cách đây cũng lâu lắm rồi, tôi chỉ lờ mờ nhớ hình như là những năm đầu của đổi mới. Một giáo viên chủ nhiệm lớp lên báo cáo với tôi về một trường hợp học sinh rất cá biệt và đề nghị sẽ thực hiện mức kỷ luật đuổi học với học sinh này.

Tôi hỏi: Cậu học sinh ấy cá biệt ở chỗ nào, đã gây ra những lỗi lầm, sai trái như thế nào để phải nhận quyết định buộc thôi học?

Cô giáo cho biết, mỗi buổi đến lớp, cậu bé đều đánh hết bạn này đến bạn khác. Cả lớp đều rất sợ và không ai dám bén mảng đến gần. Hễ nhìn thấy bạn nào trong lớp, không vừa ý là cậu đánh đấm túi bụi. Cả lớp gọi học sinh này sau lưng là “đầu gấu”, là “xã hội đen”…

Buổi học sáng ngày hôm sau, tôi xuống lớp và hỏi cậu bé lý do vì sao thích đánh bạn đến thế? Tôi vô cùng ngạc nhiên và sững sờ khi cậu bé trả lời:“Em đánh bạn vì em bắt chước bố. Ở nhà, ngày nào em cũng bị bố đánh ít nhất là một lần…”.Giáo viên chủ nhiệm đã rất nhiều lần nhắc nhở, mời phụ huynh đến lớp và thậm chí có những hình thức xử phạt nhưng cậu bé vẫn không dừng lại việc dùng bạo lực ở lớp học.

Tôi liền liên hệ gọi người bố ấy đến trường để hỏi chuyện. Anh này có thừa nhận là ngày nào cũng đánh con nhưng, lại không biết con mình cũng đến lớp đánh các bạn. Tôi đề nghị với người bố ấy:“Anh hãy nghe tôi! Anh hãy dừng việc đánh con lại 1 ngày thôi!”

Người bố ấy đồng ý một ngày không đánh con. Ngày thứ 2, tôi lại yêu cầu: “anh hãy dừng đánh con ngày hôm nay nữa!”. Anh này cũng đồng ý không đánh con ngày thứ hai. Ngày thứ ba, “anh hãy dừng đánh con ngày hôm nay nữa!”. Anh này cũng lại đồng ý không đánh… và từ đấy về sau, người bố này không bao giờ đánh con nữa.

Cậu học sinh cũng không còn đến lớp đánh bạn và còn học rất giỏi.

Bẵng đi một thời gian, năm 2005, người bố đánh con năm nào đến tìm gặp tôi và nói: “Cậu bé đánh bạn năm xưa muốn tặng thầy Hồ Ngọc Đại một căn biệt thự”.Tuy nhiên, tôi nhất quyết từ chối. Cậu học trò liền quay sang bàn với bố sẽ tặng thầy giáo cũ một lăng miếu khi trăm tuổi về già…

Lời nhắn nhủ các bạn học sinh: Nói như câu chuyện trên, không có nghĩa là chúng ta bây giờ cứ đánh bạn, cứ mắc vào tệ nạn rồi sau này sửa chữa. Không phải ai cũng có đủ ý chí để thay đổi mình. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng mình hãy nỗ lực cố gắng học tập, rèn luyện sức khỏe, phát triển bản thân…hơn nữa nhé!

Lời nhắn nhủ phụ huynh học sinh: Các cụ có câu: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhưng trong xã hội ngày nay, câu nói đó có còn đúng hay không? Mỗi chúng ta đều yêu con, thương con. Mỗi người làm cha mẹ đều mong những điều tốt đẹp nhất cho con. Con chúng ta thường noi theo “gương” cha mẹ, vì thế, mỗi lời nói và hành động của người làm cha, mẹ đều cần chú ý.