CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC BÌNH NỨT VÀ BÀI HỌC SÂU SẮC VỀ ƯU KHUYẾT ĐIỂM CỦA MỖI NGƯỜI – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC BÌNH NỨT VÀ BÀI HỌC SÂU SẮC VỀ ƯU KHUYẾT ĐIỂM CỦA MỖI NGƯỜI – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng bảy 14, 2018 - 23:46
Tháng tư 11, 2024 - 10:35
 0  352
CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC BÌNH NỨT VÀ BÀI HỌC SÂU SẮC VỀ ƯU KHUYẾT ĐIỂM CỦA MỖI NGƯỜI – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Ta vẫn thường nghe câu “trên đời không có ai là hoàn hảo”. Đúng vậy, dù có là bậc vĩ nhân thì vẫn luôn có những khuyết điểm. Tuy nhiên nếu biết chấp nhận và tận dụng thì bạn hoàn toàn có thể biến những khuyết điểm đó thành thứ có ích.

Trong cuộc đời, có không ít lần chúng ta tự chất vấn bản thân vì thấy mình không được tốt đẹp hay may mắn như người khác. Đã có lúc bạn thấy tự ti, xấu hổ về điều đó. Không những khuyết điểm hoàn toàn không tệ như bạn nghĩ. Chuyện về chiếc bình nứt sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều đó.

“Một người gùi nước ở Ấn Độ có 2 cái bình gốm lớn, mỗi cái được cột vào đầu một đòn gánh để anh ta gánh về nhà. Một trong 2 cái bình còn rất tốt và không bị rò rỉ chỗ nào cả. Cái còn lại có một vết nứt nên sau quãng đường dài đi bộ về nhà, nước bên trong chỉ còn lại có một nửa.

Suốt 2 năm trời anh ta vẫn sử dụng 2 cái bình gùi nước đó, mặc dù lượng nước mà anh ta mang về nhà không còn nguyên vẹn. Và lẽ dĩ nhiên, cái bình tốt tỏ vẻ hãnh diện về sự hoàn hảo của mình, trong khi cái bình nứt vô cùng xấu hổ và có cảm giác thất bại.

Một ngày nọ, bên dòng suối, cái bình nứt đã thưa chuyện với người gùi nước: “Tôi rất xấu hổ về bản thân và muốn nói lời xin lỗi ông. Suốt 2 năm qua, do vết nứt của tôi mà nước đã bị rò rỉ trên đường về nhà, ông đã làm việc chăm chỉ nhưng kết quả mang lại cho ông đã không hoàn toàn như ông mong đợi”.

Người gùi nước nói với cái bình nứt: “Khi chúng ta trên đường về nhà, ta muốn ngươi chú ý đến những bông hoa tươi đẹp mọc bên vệ đường”.

Quả thật, cái bình nứt đã nhìn thấy những bông hoa tươi đẹp dưới ánh nắng mặt trời ấm áp trên đường về nhà và điều này khuyến khích được nó đôi chút. Nhưng khi đến cuối đường mòn, nó vẫn cảm thấy rất tệ bởi nước đã chảy ra rất nhiều, một lần nữa nó lại xin lỗi người gùi nước.

Người gùi nước liền nói: “Ngươi có thấy rằng những bông hoa kia chỉ nở một bên vệ đường, chỉ phía bên ngươi không? Thật ra, ta đã biết về vết nứt của ngươi, ta đã gieo một số hạt hoa ở vệ đường phía bên ngươi, và mỗi ngày khi ta gùi nước về nhà, ta đã tưới chúng bằng nước từ chỗ rò rỉ của ngươi. 2 năm qua, ta có thể hái những bông hoa tươi tắn ấy về nhà. Không có vết nứt của ngươi, ta đã không có những bông hoa để làm đẹp cho ngôi nhà của mình”.

Chiếc bình nứt trong câu chuyện đã tự nhận thức được khiếm khuyết bản thân, nhưng cũng chính vì điều này mà luôn tự dằn vặt mình. Nó cảm thấy xấu hổ vì đã không mang được nhiều nước về cho người gùi nước kia. Nhưng bạn thấy đấy, ngay cả chiếc bình nứt cũng có thể là nguồn sống cho những bông hoa tươi đẹp.

Đã bao lần bạn mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân bạn học không giỏi, hát không hay, bạn không xinh đẹp …Và điều ấy khiến cho bạn buồn, tự ti. Những khuyết điểm đó giống như những vết nứt, ngày càng hằn sâu khiến bạn không khỏi mặc cảm. Chúng ta ai cũng vậy, đều có những vết nứt nhưng nếu chúng ta biết chấp nhận và tận dụng nó, thì mọi thứ đều có thể trở nên có ích.

Còn chiếc bình lành tưởng chừng rất hoàn hảo nhưng hóa ra nó “khuyết” ở chỗ không thể làm cho những luống hoa ven đường mọc lên. Điều đó càng khẳng định không có ai hoàn hảo cả. Và chúng ta cần phải luôn bổ sung cho nhau để tạo ra những giá trị tốt đẹp.

Câu chuyện “Chiếc bình nứt” khép lại mang đến cho chúng ta thật nhiều suy tư. Đối diện với những khiếm khuyết của chính mình, mỗi người cần học cách chấp nhận, đồng thời hướng đến những điều tốt đẹp của bản thân. Ai cũng có những khuyết điểm nhưng đằng sau những khuyết điểm ấy, mỗi người vẫn luôn có giá trị riêng. Hãy biết cách tận dụng và biến nó thành lợi thế của mình để thành công hơn trong cuộc sống.