Chương trình giáo dục phổ thông mới: ĐIỂM SỐ KHÔNG NÊN TRỞ THÀNH MỘT CUỘC ĐUA - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Chương trình giáo dục phổ thông mới: ĐIỂM SỐ KHÔNG NÊN TRỞ THÀNH MỘT CUỘC ĐUA - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình mới
Tổng chủ biênChương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, để chương trình mới thành công, cần có nhiều sự thay đổi.
Dự kiến trong tháng 10, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được ban hành. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), chương trình được xây dựng nhằm chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực cho người học. Nếu như chương trình trước đây trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?” thì chương trình này trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.
Tuy nhiên, để chương trình thành công, giáo sư Thuyết cho rằng cần phải có nhiều thay đổi.
Điểm số không nên là một cuộc đua
Theo Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, việc đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ ở các trường đã có quy định trong chương trình. Trước hết, mục tiêu đánh giá không còn tập trung chủ yếu vào phân loại học sinh mà là đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của học sinh đối với chuẩn đầu ra ở cấp học để điều chỉnh cách học của các em, giúp các em học tốt hơn, điều chỉnh cách dạy của giáo viên, đồng thời để điều chỉnh chương trình, phương pháp giáo dục nói chung.
“Về hình thức công bố điểm, tôi nghĩ rằng trong tương lai cũng cần có sự thay đổi. Việc công khai điểm số của học sinh trong lớp, trong các cuộc họp cha mẹ học sinh đang tạo ra một cuộc chạy đua về điểm. Mà thật ra điểm số chỉ là để ghi nhận khả năng đáp ứng của học sinh để điều chỉnh cách học, cách dạy, chứ không phải để tạo ra một cuộc đua thành tích.
Phải cho học sinh thấy rằng học trước hết để ra trường có nghề nghiệp và tìm được công ăn việc làm; muốn nghề nghiệp có thu nhập cao thì phải học thực, học giỏi. Có như vậy mới nuôi sống được bản thân và góp phần cải thiện đời sống gia đình.” – GS Thuyết nhấn mạnh.
3 điều kiện tiên quyết để chương trình thành công
Theo GS Thuyết, để chương trình thành công, trước hết giáo dục cần được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, nếu không có thì việc thực hiện đổi mới giáo dục rất khó. Thứ hai, cần có sự đồng thuận rộng rãi ở trong xã hội, nếu vừa làm vừa bàn ngang, bàn lùi thì ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến giáo dục mà còn đến cả sự ổn định của xã hội.
Thứ ba, cần nói đến động lực đổi mới của giáo viên và sự tích cực hoạt động của học sinh. “Nói thực là giáo viên có thực hiện đổi mới hay không thì thu nhập của anh chị em vẫn vậy, vẫn gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Vấn đề là phải làm sao tạo được cảm hứng, động lực đổi mới cho giáo viên.
Để làm được điều này, trước hết những người biên soạn chương trình như chúng tôi phải tạo ra được một chương trình mới thực sự hấp dẫn với giáo viên; thứ hai, ngay từ những cuốn sách giáo khoa đầu tiên biên soạn theo chương trình mới đã cho thấy có hiệu quả so với sách giáo khoa trước đây; có vậy giáo viên mới thấy phấn chấn để đổi mới”.
Điểm thứ ba là cần cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên. Hiện nay, nhiều trường vẫn có tình trạng dạy đến 50, 60 học sinh/lớp thì khó có thể dạy tốt được. Điểm thứ tư là phải trao quyền chủ động cho giáo viên. Nếu giáo viên luôn bị áp lực của các quy định quá cứng nhắc thì họ khó có thể thực hiện công việc một cách hào hứng, hiệu quả.