CHƯƠNG TRÌNH MÔN TIẾNG ANH MỚI TẬP TRUNG NĂNG LỰC GIAO TIẾP CỦA HỌC SINH NHƯ THẾ NÀO? - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
CHƯƠNG TRÌNH MÔN TIẾNG ANH MỚI TẬP TRUNG NĂNG LỰC GIAO TIẾP CỦA HỌC SINH NHƯ THẾ NÀO? - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Tiếng Anh là môn Ngoại ngữ 1, bắt đầu học từ lớp 3 đến lớp 12, xác định năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học.
Là một trong những môn học công cụ ở trường phổ thông, môn Tiếng Anh không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung; để sống và làm việc hiệu quả hơn; để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.
Môn Tiếng Anh cung cấp cho học sinh một công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, giúp các em trao đổi thông tin, tri thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu các nền văn hoá, qua đó góp phần tạo dựng sự hiểu biết giữa các dân tộc, hình thành ý thức công dân toàn cầu, góp phần vào việc phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân.
Nội dung cốt lõi của môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp Bậc 1, khi kết thúc bậc THCS đạt được Bậc 2 và khi kết thúc cấp THPT đạt Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học
Chương trình nhấn mạnh một số quan điểm sau: Xây dựng dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học hiện đại; năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết; xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ qui định những yêu cầu cần đạt về năng lực giao tiếp nghe, nói, đọc và viết cho mỗi lớp và gợi ý một số chủ đề, chủ điểm chính gắn với chuẩn đầu ra từng cấp học; đảm bảo lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trong quá trình dạy học; đảm bảo tính liên thông và tiếp nối của việc dạy học Tiếng Anh giữa các cấp; đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo và tính mở nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện dạy học tiếng Anh đa dạng ở các địa phương.
Chương trình giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các hình thức nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam tạo nền tảng có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.
Giúp học sinh hiểu biết khái quát về một số nước nói tiếng Anh
Chương trình giúp học sinh có hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hoá của một số nước nói tiếng Anh; có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người, nền văn hoá và ngôn ngữ của các nước nói tiếng Anh.
Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh cũng góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết đối với người lao động: ý thức và trách nhiệm lao động, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, khả năng thích ứng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp mới.
Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp
Nội dung dạy học được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm: hệ thống các chủ đề (khái quát), các chủ điểm (cụ thể) mang tính gợi ý; các năng lực giao tiếp phù hợp với chuẩn năng lực cần đạt; danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) gợi ý phù hợp với việc phát triển năng lực giao tiếp ở cấp độ đã được qui định trong chuẩn đầu ra. Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm.
Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết. Năng lực giao tiếp của môn tiếng Anh là khả năng sử dụng kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) để tham gia vào các hoạt động giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) trong những tình huống hay ngữ cảnh có nghĩa với các đối tượng giao tiếp khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp của bản thân hay yêu cầu giao tiếp của xã hội.
Nội dung dạy học cả về năng lực giao tiếp lẫn kiến thức ngôn ngữ đều dựa trên yêu cầu của năng lực giao tiếp Bậc 1, 2 và 3 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể:
Các nội dung dạy học ở bậc tiểu học cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/ bạn bè,… Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”;
Các nội dung dạy học ở bậc THCS cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm,…). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu”;
Các nội dung dạy học ở bậc THPT cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí,… Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra ở những nơi ngôn ngữ đó được sử dụng. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình”.
Giáo viên cần tạo cơ hội tối đa để học sinh sử dụng tiếng Anh
Đường hướng chủ đạo trong chương trình môn Tiếng Anh là đường hướng giao tiếp. Nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Các phương pháp giao tiếp có những điểm tương đồng với đường hướng lấy người học làm trung tâm trong giáo dục học. Đường hướng chủ đạo này quy định các hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh.
Giáo viên cần hiểu rõ đặc điểm tâm – sinh lý của học sinh ở các cấp học khác nhau, coi học sinh là những chủ thể tích cực tham gia vào quá trình học tập. Giáo viên tạo cơ hội cho học sinh sử dụng ngôn ngữ trong các ngữ cảnh, tình huống có nghĩa, sát với cuộc sống hằng ngày, dành thời gian cho học sinh tham gia vào các hoạt động giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc và viết. Giáo viên sử dụng tiếng Anh trong quá trình dạy học trên lớp và tạo cơ hội tối đa để học sinh sử dụng tiếng Anh trong và ngoài lớp học.
Giáo viên sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện học tập ở địa phương, sử dụng hiệu quả các đồ dùng, thiết bị dạy học hiện đại trong quá trình dạy học, hướng dẫn học sinh sử dụng đồng bộ các tài liệu và phương tiện học tập như sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, học liệu điện tử, thiết bị nghe nhìn, công nghệ thông tin và truyền thông… để nâng cao hiệu quả dạy học.
Việc đánh giá hoạt động học của học sinh phải bám sát mục tiêu và nội dung dạy học của chương trình, dựa trên yêu cầu cần đạt đối với các kỹ năng giao tiếp ở từng cấp lớp. Nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá cần bám sát mục tiêu dạy học, có tính đến những thay đổi trong mục tiêu từng cấp, như cấp tiểu học ưu tiên vào nghe và nói, cấp THCS nhấn mạnh đến phối hợp giữa các kỹ năng và cấp THPT chú trọng đến cân bằng giữa bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Hoạt động kiểm tra đánh giá cần được thực hiện theo hai hình thức: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục thông qua các hoạt động dạy học trên lớp. Trong quá trình dạy học, cần chú ý ưu tiên đánh giá thường xuyên nhằm giúp học sinh và giáo viên theo dõi tiến độ thực hiện những mục tiêu đã đề ra.
Thanh Hùng