ĐIỂM CHUẨN, PHỔ ĐIỂM VÀO LỚP 10 CÔNG LẬP HÀ NỘI NĂM NAY NHƯ THẾ NÀO? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ĐIỂM CHUẨN, PHỔ ĐIỂM VÀO LỚP 10 CÔNG LẬP HÀ NỘI NĂM NAY NHƯ THẾ NÀO? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng sáu 13, 2019 - 23:08
Tháng tư 15, 2024 - 16:29
 0  25
ĐIỂM CHUẨN, PHỔ ĐIỂM VÀO LỚP 10 CÔNG LẬP HÀ NỘI NĂM NAY NHƯ THẾ NÀO? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Dự kiến điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay không cao hơn năm ngoái. Điểm chuẩn sẽ phụ thuộc rất lớn vào học sinh làm bài 2 môn Toán và Ngữ văn như thế nào.

Từ ngày 2-3/6/2019, gần 86.000 học sinh lớp 9 của Hà Nội đã tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, với thi 4 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Đây là năm đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi tới 4 môn và là năm đầu tiên sau mấy chục năm chỉ lấy điểm thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS.

Dự kiến, vào ngày 20/6, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố kết quả thi và phổ điểm thi vào lớp 10. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều giáo viên có thể dự đoán phổ điểm, điểm chuẩn vào các trường tốp trên, những trường có đông thí sinh đăng ký dự thi.

Cô Ngô Thị Lan Anh, trường THPT Trần Phú, Hà Nội nhận định, đề thi môn Ngữ văn là vừa sức với thí sinh nhưng kiến thức tương đối rộng (đặc biệt là phần Nghị luận xã hội) nên không phải là học sinh nào cũng làm tốt. Vì vậy, phổ điểm đối với môn Ngữ văn rơi vào từ 6 đến 7 điểm.

Môn Toán được nhìn nhận là khó hơn nên phổ điểm sẽ từ 6 đến 6,5 điểm. Còn các môn Lịch sử và tiếng Anh năm nay được ra theo hình thức Trắc nghiệm và cũng không quá khó nên phần lớn thí sinh làm được. Dự kiến phổ điểm của 2 môn này từ 8 đến 9 điểm.

Với phổ điểm được như trên, cô Lan Anh cho rằng, điểm chuẩn sẽ phụ thuộc rất lớn vào học sinh làm được 2 môn: Toán và Ngữ văn như thế nào.

Năm ngoái, thí sinh xét tuyển vào lớp 10 được cộng điểm xếp loại học tập cả 4 năm học và học nghề. Còn năm nay, thí sinh không được cộng điểm mà điểm chuẩn của các trường sẽ là điểm thi của 4 môn thi. Vì vậy, dự kiến điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay không cao hơn năm ngoái, thậm chí còn thấp hơn.

Học sinh đăng ký dự thi vào những trường tốp trên như Trần Phú-Hòa Kiếm, Việt Đức phải đạt điểm trung bình của cả 4 môn phải đạt từ 7,5 đến 8 điểm. Còn những trường tốp giữa, thí sinh phải đạt điểm trung bình của cả 4 môn phải đạt từ 6,5 đến 7 điểm.

Một số trường THPT có số lượng thí sinh đăng ký vào đông và tỷ lệ chọi cao như: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Xuân Phương thì nguyện vọng 2 có thể đội lên một chút, chứ không phải là đột biến hẳn. Ví dụ như nguyện vọng 1 ở những trường này lấy điểm chuẩn là 39 điểm thì nguyện vọng 2 có thể lấy 41,5 điểm. Tuy nhiên, có trường không tuyển sinh đủ thí sinh so với chỉ tiêu đề ra thì có thể lấy thí sinh trên 45 điểm.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lê Quý Đôn nhận xét, môn Toán và Ngữ văn được Sở GD-ĐT Hà Nội ra theo các cấp độ: Nhận biết-Thông hiểu-Vận dụng và Vận dụng cao. Còn 2 môn Lịch sử và Ngoại ngữ lần đầu tổ chức thi nên chỉ yêu cầu thí sinh làm được bài ở cấp độ: Nhận biết-Thông hiểu-Vận dụng nên sẽ có nhiều thí sinh đoạt điểm điểm cao ở 2 môn này.

Do đó, điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường công lập năm nay phụ thuộc lớn vào thí sinh làm được 2 môn Toán và Ngữ văn.

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, năm nay, học sinh không được cộng điểm xếp loại học lực cả 4 năm học và điểm nghề; cộng với việc học sinh làm tốt 2 môn Lịch sử và Ngoại ngữ nên phổ điểm thi vào lớp 10 năm nay cũng như năm ngoái. Những trường THPT tốp đầu, có uy tín về chất lượng đào tạo vẫn lấy điểm chuẩn cao.

Khác với những năm trước, năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố phổ điểm của kỳ thi để giúp phụ huynh và thí sinh năm được toàn cảnh về mặt bằng điểm thi. Từ đó, phụ huynh và học sinh có thể dự kiến điểm chuẩn và có căn cứ để xác định việc sẽ nhập học trường nào cho phù hợp, tránh tình trạng rút-nộp hồ sơ xảy ra hỗn loạn như mùa tuyển sinh lớp 10 năm 2018.

Căn cứ vào chỉ tiêu được giao, phổ điểm và dự kiến điểm chuẩn do Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra, các trường THPT công lập sẽ đề xuất điểm chuẩn. Sở GD-ĐT duyệt điểm chuẩn cho từng trường.

Đây cũng là năm đầu tiên Sở GD-ĐT Hà Nội qui định tất cả học sinh tham gia dự tuyển vào lớp 10 phải xác nhận nhập học khi đã trúng tuyển. Nếu trúng tuyển vào trường công lập, học sinh có thể xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.

Theo cô Ngô Thị Lan Anh, quy định như trên sẽ góp phần khắc phục tình trạng phụ huynh rút-nộp hồ sơ một cách bất thường, không theo quy tắc như năm 2018. Vì vậy, sẽ không có cảnh tượng học sinh vừa thi lớp 10 xong thì phụ huynh sợ con không đỗ vào lớp 10 trường nào nên đã đến các trường ngoài công lập nộp hồ sơ, đóng tiền học phí.

Thế nhưng, khi các trường công lập công bố điểm chuẩn thì phụ huynh lại đến các trường ngoài công lập xin rút hồ sơ để nộp vào trường công. Việc làm này đã gây nên sự xáo trộn, mất trật tự.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Bình, dự kiến đến ngày 20/6, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm thi và điểm chuẩn vào các trường công lập. Mặt khác, cũng trong ngày 20/6, các trường THPT ngoài công lập cũng công bố điểm chuẩn nên học sinh và phụ huynh sẽ phải có sự cân nhắc kỹ là nên nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường công hay ngoài công lập chất lượng cao.

Vì vậy, không có chuyện phụ huynh nộp hết hồ sơ vào trường ngoài công lập trước, rồi khi có điểm chuẩn vào trường công lập thì lại nháo nhào đi rút-nộp hồ sơ, gây ra mất trật tự, tạo tâm lý không tốt cho cho cả phụ huynh và học sinh./.