Đoạn văn nghị luận xã hội ôn thi vào lớp 10 ( phần 2)

ITIT
Tháng một 8, 2023 - 14:49
Tháng 5 22, 2024 - 13:30
 0  146
Đoạn văn nghị luận xã hội ôn thi vào lớp 10 ( phần 2)

5. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Tình yêu thương.

Cuộc sống luôn có vô vàn những thứ mới lạ nhưng luôn có những điều khiến ta cảm thấy vô cùng quý giá, không thể thay thế được. Một trong số đó chính là tình yêu thương. Quả thực, tình yêu thương có giá trị vô cùng to lớn trong đời sống. Tình yêu thương chính là sự sẻ chia, quan tâm, thương yêu, đồng cảm giữa người với người, giữa con người với vạn vật xung quanh.Tình yêu thương hiện hữu ngay trong đời sống hằng ngày dưới nhiều hình thức khác nhau, đơn giản đến mức đôi khi ta k nhận thấy. Nó biểu hiện ở việc cha mẹ chăm sóc ta hằng ngày, bạn bè quan tâm ta từng giây phút hay ở sự đoàn kết của những người cùng chung dân tộc,… Thậm chí, việc con người chăm sóc, yêu thiên nhiên cũng chính là biểu hiện của tình yêu thương. Tình yêu thương đi vào mọi ngóc ngách của đời sống con người và cả những sáng tạo nghệ thuật. Đâu đâu cũng tồn tại những biểu hiện của tình yêu thương.Tình yêu thương mang lại những ý nghĩa vô cùng to lớn cho đời sống con người. Nhờ có tình yêu thương mà con người được gắn kết với nhau, biết giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn. Nhờ yêu thương, ta biết sẻ chia, đồng cảm cùng mọi niềm vui, nỗi buồn của người khác. Không chỉ vậy, tình yêu thương còn chính là sợi dây kì diệu xoá nhoà đi những ranh giới giữa con người như tuổi tác, quốc tịch hay màu da,… Bên cạnh đó, tình yêu thương cũng khiến tâm hồn ta thanh thản, an ủi con người mỗi khi đau buồn Có thể nói, yêu thương là cội nguồn, động lực để con người phấn đấu và cũng là đích đến cao cả nhất của con người. Người biết yêu thương sẽ luôn thấu hiểu, quan tâm những người xung quanh. Trao đi yêu thương cũng chính là nhận lại yêu thương nên những người biết yêu thương cũng sẽ nhận được sự tin tưởng, kính trọng từ người khác. Câu chuyện về vợ chồng bà Nguyễn Thị My và ông Trần Văn Hồng ở thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. Dù tuổi đã cao nhưng mỗi ngày, ông bà đều cặm cụi nấu hơn 100 suất cơm chay 0 đồng tặng những người khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều người đã mắc căn bệnh “vô cảm”, bị dửng dưng trước những hoàn cảnh đáng thương, sợ giúp đỡ người khác, sợ bị mang vạ vào thân…. Chúng ta cần phê phán những hiện tượng ấy.Tình yêu thương quý giá vô ngàn. Mỗi chúng ta hãy nuôi dưỡng và lan toả tình yêu thương. Là học sinh, em sẽ học tập, rèn luyện thật tốt, lan toả niềm yêu thương đến mọi người, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

 

6. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Thái độ sống tích cực

Mỗi chúng ta khi sinh ra và lớn lên trải qua nhiều khoảnh khắc khác nhau, có đau khổ, dằn vặt, có tủi hờn, nhưng hơn hết, chúng ta cần giữ cho mình một thái độ sống tích cực và vươn lên, hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Thái độ sống tích cực là cảm giác vui vẻ, thoải mái, vô tư dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gian nan thử thách hay gặp phải chuyện không vui trong cuộc sống. Thái độ sống tích cực rất quan trọng đối với cuộc sống con người, mỗi người nên rèn luyện cho bản thân một thái độ sống tích cực để sẵn sàng đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Chúng ta ai cũng biết trong cuộc sống, con người không tránh khỏi những lúc vấp ngã, chán nản, nhưng chính tinh thần lạc quan, thái độ sống tích cực sẽ giúp ta đứng lên và tiếp tục chiến đấu, chinh phục con đường mà mình đã lựa chọn. Bên cạnh đó, thái độ sống tích cực còn giúp con người sống vui vẻ hơn, tận hưởng được nhiều vẻ đẹp hơn của cuộc sống, giúp cho cuộc sống muôn màu sắc hơn và người có thái độ sống tích cực luôn truyền được năng lượng tích cực cho người khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những người bi quan, khi đứng trước khó khăn thử thách không dám đương đầu hoặc luôn chán nản mà gục ngã; lại có nhiều người vì quá lạc quan mà trở nên vô tâm;… những người này sẽ dễ vấp ngã và khó có được một cuộc sống trọn vẹn. Mỗi người chỉ được sống một lần trên đời, chúng ta hãy sống và cảm nhận cuộc sống bằng tình yêu thương, một thái độ sống tích cực nhất để giúp cho bản thân mình trở nên có ý nghĩa hơn.

 

7. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Thói quen xấu

“Trong cuộc sống, bên cạnh nhiều tập quán, thói quen tốt còn có những tập quán, thói quen xấu gây hại cho con người và xã hội. Một số thói quen xấu, có thể kể tới như: cờ bạc, thuốc lá, ma túy, rượu hoặc băng đĩa có nội dung độc hại,… Nếu như giới trẻ chúng ta không kiên định với lập trường tự chủ, dần dần sẽ bị nó ràng buộc, chi phối và trở thành nô lệ của những thói quen xấu. Cờ bạc, thuốc lá, ma túy… là những thói hư tật xấu gây ra tác hại ghê gớm cho bản thân, gia đình và xã hội về nhiều mặt như: tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, kinh tế, nòi giống… đây cũng là mối nguy cơ trước mắt và lâu dài của đất nước, dân tộc. Tóm lại, tất cả những tập quán xấu, thói quen xấu có ma lực cuốn hút con người. Thế nên, giới trẻ của chúng ta hiện nay, để không bị biến thành nạn nhân của nó, mỗi chúng ta phải tự rèn luyện, tu dưỡng không ngừng trong học tập, trong lao động và phải nâng cao nhận thức về tác hại của các tệ nạn trong xã hội”.

 

8. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tình bạn

Tình bạn là mối quan hệ không thể thiếu trong đời sống của tất cả chúng ta. Vậy tình bạn là gì? Thiếu nó, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Trong cuộc đời mỗi chúng ta ai cũng có những tình bạn, đó là sự gắn bó giữa hai hoặc nhiều người trên cơ sở tương đồng về sở thích, tính cách hay lí tưởng. Một tình bạn trở nên đẹp đẽ và cao quý khi ta dành cho đối phương sự tôn trọng, đồng cảm và sẻ chia; không quản ngại hi sinh, vất vả để giúp đỡ lẫn nhau. Giữa dòng đời với biết bao bon chen, xô đẩy, có được một tình bạn chân thành là điều vô cùng may mắn. Bởi đó là niềm vui, là chỗ dựa lớn lao đem đến cho ta sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Đồng thời, “học thầy không tày học bạn”, từ họ ta có thể nhìn ra thiếu sót của bản thân, từ đó mà phấn đấu, nỗ lực để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được cho riêng mình những người tri âm tri kỉ như Lưu Bình & Dương Lễ, Bá Nha & Tử Kì, Nguyễn Khuyến & Dương Khuê… Một chút tham lam ích kỉ hay ghen ghét đố kị cũng có thể khiến người gọi là “bạn” kia lợi dụng hay phản bội hòng trục lợi từ ta. Thêm nữa, là bạn tốt không đồng nghĩa với việc bao che, đồng tình với những hành động sai trái của đối phương mà phải mạnh dạn thẳng thắn giúp bạn nhận ra sai lầm và quay lại với con đường đúng đắn. Vì vậy, tất cả chúng ta cần đối xử với những người bạn của mình bằng tất cả sự chân thành và không ngừng giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Bởi đúng như Ralph Waldo Emerson từng nói: “Cách duy nhất để có một người bạn là hãy làm một người bạn”.

 

9. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Lòng hiếu thảo

Đạo làm con là phải hết lòng phụng dưỡng, báo đáp mẹ cha, vì thế hiếu thảo là tình cảm tự nhiên và cũng là đạo đức của con người. Người con hiếu thảo là người con luôn biết kính trọng và yêu thương cha mẹ của mình. Cha mẹ nuôi con không bao giờ mong được đền đáp lại công lao ấy nhưng nghĩa vụ của mỗi người con là phụng dưỡng khi cha mẹ tuổi già sức yếu. Lòng hiếu thảo luôn mang lại hạnh phúc cho gia đình, làm cho gia đình yên ấm. Hiếu thảo cũng mang lại một xã hội tốt đẹp văn minh. Bởi gia đình vốn là tế bào của xã hội. Nếu mỗi gia đình là những tấm gương hiếu thảo thì xã hội này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Muốn vậy ta cần phê phán những kẻ bất hiếu, không vâng lời cha mẹ, ngược đãi cha mẹ, luôn khiến cho cha mẹ phải đau lòng. Đúng như đức nhân Khổng Tử đã từng nói: “Tội ác lớn nhất của con người chính là tội bất hiếu”. Tóm lại, bổn phận làm con phải biết giữ tròn chữ hiếu với đấng sinh thành. Ngày nay, không chỉ hiếu thảo với cha mẹ, chữ hiếu còn được mở rộng ý nghĩa như trong lời Bác hồ dạy: “Trung với nước, hiếu với dân”.

 

10. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Tiết kiệm

Tiết kiệm là đức tính cần có của tất cả chúng ta. Vậy bản chất của tiết kiệm là gì? Tại sao nó lại quan trọng với con người đến vậy? Tiết kiệm là sử dụng hợp lí, không lãng phí hay bừa bãi các giá trị vật chất. Ai cũng hiểu tài nguyên trên Trái Đất không gì là vô tận. Nước, than, dầu mỏ, khí đốt… dẫu có nhiều đến đâu mà không được sử dụng đúng cách chắn chắn sẽ sớm cạn kiệt. Tương tự, khả năng tích lũy của con người cũng là có hạn. Nếu không có dự tính lâu dài, ăn tiêu phung phí, chẳng mấy chốc ta rơi vào cảnh nghèo túng nợ nần. Bởi vậy, có thể khẳng định, tiết kiệm chính là nền tảng đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững của mỗi cá nhân nói riêng cũng như xã hội nói chung. Vậy nhưng, ngày nay, vẫn còn không ít kẻ sử dụng phung phí, thậm chí là tận thu tận diệt sản vật tự nhiên, không có ý thức giữ gìn, nâng niu tài sản chung của bản thân và nhân loại. Đồng thời, cũng có những người nhầm lẫn giữa tiết kiệm với ki bo, bủn xỉn, không biết cách cho đi dù chỉ một đồng. Là thế hệ trẻ nắm giữ tương lai của đất nước, chúng ta cần nói không với các hiện tượng tiêu cực này và bắt đầu thực hành tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất như: tắt đèn khi ra khỏi phòng, vặn vòi nước thật chặt nếu không sử dụng… Bởi đúng như Beniamin Frankmin đã nói: “Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu”.