HÓA GIẢI “CÁI KHÓ” CỦA VĂN NGHỊ LUẬN THCS – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

HÓA GIẢI “CÁI KHÓ” CỦA VĂN NGHỊ LUẬN THCS – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 5 9, 2019 - 00:47
Tháng tư 6, 2024 - 14:05
 0  66
HÓA GIẢI “CÁI KHÓ” CỦA VĂN NGHỊ LUẬN THCS – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Văn nghị luận là một dạng văn tương đối khó đối với học sinh, nhất là đối với học sinh THCS. Những người quen tư duy cụ thể, cảm tính, ít năng lực suy luận sẽ cảm thấy khó. Những người ít có bản lĩnh, ít có chính kiến đối với mọi việc cũng sẽ cảm thấy khó. Nhưng, chính vì vậy, mà văn nghị luận sẽ rèn cho học sinh kĩ năng lí luận và tinh thần tự chủ trước cuộc sống. Văn nghị luận là cơ sở để lập luận các tư tưởng sâu sắc trong đời sống.

Văn nghị luận ở cấp THCS chia thành hai cấp độ: cấp độ lớp 7 và cấp độ ở lớp 8,9. Ở lớp 7, chương trình giới thiệu những thao tác chung nhất để làm văn nghị luận: chứng minh, giải thích, hay kết hợp giữa chứng minh và giải thích. Phương pháp để hóa giải cái khó ở đây chính là đừng vội năm bắt khái niệm, thuộc định nghĩa mà là sau khi nêu ra các ví dụ, học sinh cảm nhận được, rồi gợi dẫn để học sinh thấm dần.

Chẳng hạn chúng ta có một văn bản nghị luận được cho như sau:

“Học sinh chào mỗi khi gặp thầy cô giáo là một hành vi văn hóa bình thường, cũng giống như lúc ta chào bất kì một ai đó, để biểu thị thái độ kính trọng, lễ phép với người trên. Riêng chào thầy cô giáo còn là một biểu hiện tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo. Chào thầy dạy ta, dĩ nhiên là ở nhiều nơi ta gặp, nhưng cũng có những tình huống chào thầy đặc biệt: đó là chào trước khi vào tiết học. Hầu như ở mọi lớp hay mọi giảng đường, khi thầy cô bước vào lớp, mọi học sinh trong lớp đều chào bằng hình thức đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng, hướng về phía thầy. Người thầy cũng từ tốn đáp lại bằng cách đứng nghiêm trên bục, mắt hướng về học sinh, khẽ nghiêng mình hoặc gật đầu, hoặc nở một nụ cười, rồi vẫy tay mời tất cả ngồi xuống (hoặc nói “Chào tất cả các em, mời các em ngồi”). Không khí lúc bấy giờ thật tĩnh lặng, trang nghiêm, xúc động. Dù trước đó, mọi người có ồn ào, bận bịu về chuyện riêng đến mấy, cũng đều nghiêm túc thu xếp lại, để bắt tay vào giờ học. Ấy vậy mà nhiều học sinh bây giờ như quên hẳn điều đó. Có học sinh ngại đứng dậy, có học sinh làm chiếu lệ cho xong, chỉ nhổm người lấy lệ. Lại có học trò vừa đứng vừa tiếp tục nói chuyện vì cho rằng bạn đằng trước đã che đi ánh nhìn của thầy cô. Nhưng thật tiếc cho các bạn là mọi thầy cô giáo thường rất nhạy cảm, cho nên những trường hợp như thế thường khó qua được cảm nhận của người thầy. Người Việt Nam có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, đó là cách ứng xử văn hóa của bất kì một cuộc giao tiếp nào, chứ không chỉ nói ở nơi học đường. Chào thầy cô giáo còn là biểu hiện của khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” treo ở mỗi lớp học…”

  1. Vấn đề mà văn bản trên nêu ra đã đánh trúng một vấn đề rất thiết thực trong cuộc sống, đặc biệt là trong nhà trường – Tính thời sự rõ nét. Ta thấy thực rõ ràng, vấn đề được bàn luận ở đây là: Chào thầy – một nét đẹp văn hóa – Luận đề của văn bản.
  2. Văn bản trên có hệ thống ý – hệ thống vấn đề như sau:
  • Giới thiệu vấn đề chào thầy cô giáo là một biểu hiện của truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.
  • Tình huống chào thầy trước khi vào tiết học.
  • Nhiều học sinh làm chưa tốt hành vi văn hóa chào thầy cô trước tiết học.
  • Lời chào nói chung là cách ứng xử văn hóa.
  1. Văn bản cũng đưa ra nhiều lí lẽ, dẫn chứng (Luận cứ) cụ thể, gần gũi với học sinh:
  • Luận cứ 1:

+ Lí lẽ: Học sinh chào thầy cô giáo là một hành vi văn hóa bình thường

+ Dẫn chứng: hành vi chào người trên (tuổi tác, địa vị, …)

  • Luận cứ 2:

+ Lí lẽ: Lời chào thầy cô tôn nghiêm hơn lời chào bình thường vì thể hiện đạo lí “Tôn sư trọng đạo”

  • Luận cứ 3:

+ Lí lẽ: Chào thầy cô là ở bất kì lúc nào ta gặp, thể hiện quan niệm “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Tiên học lễ, hậu học văn”

+ Dẫn chứng: lời chào trước mỗi tiết học………..

  1. Học sinh cũng có thể chủ động phân tách văn bản thành ba phần rõ rệt: Mở bài (Giới thiệu vấn đề lời chào thầy cô), Thân bài (Phân tích, đánh giá, suy nghĩ về vấn đề), Kết bài (Tổng kết vấn đề, nêu ý nghĩa mở rộng).

Đối với những học sinh chưa hiểu những khái niệm (được in nghiêng trong phần phân tích) nêu trên, chúng ta cố gắng đọc và suy nghĩ để thấy nội dung của khái niệm ấy, đã được sách giáo khoa Ngữ Văn 7 viết kĩ lưỡng. Từ ví dụ về văn bản nói tới vấn đề lời chào thầy cô – nét đẹp văn hóa học đường nêu trên, ta có thể dễ dàng tổng kết lại 4 bước làm bài văn nghị luận thông thường qua các thao tác: Tìm hiểu đề, Hướng lập ý, Lập dàn bài, Viết bài & Sửa lỗi.

*Bước 1: Tìm hiểu đề: gồm 2 bước nhỏ:

  • Đọc kĩ đề, gạch dưới các từ quan trọng.
  • Dựa vào các từ đã gạch trong đề, tìm ra:

+ Đề yêu cầu bàn luận vấn đề gì? Trong đời sống hay trong văn học? Trong đời sống thì ở mặt nào? (văn hóa, sức khỏe, nhà trường …. – tìm ra luận đề)

+ Đề yêu cầu dùng phép lập luận nào? Phạm vi đến đâu? (Lưu ý: Đọc thêm về những thao tác lập luận chứng minh, giải thích hoặc sự kết hợp nhiều thao tác đã nêu trong sách giáo khoa Ngữ Văn 7. Cũng có thể theo dõi các bài viết tiếp theo thuộc cùng chủ đề Làm văn Nghị luận của website).

*Bước 2: Hướng lập ý: đi theo trình tự hợp lí nào? (dựa vào yêu cầu của đề)

Một vài hướng lập ý thường gặp tùy từng dạng bài nghị luận:

  • Từ nhận thức đến hành động.
  • Từ giảng giải đến chứng minh.
  • Hoặc hướng lập ý đối lập (phản đề)
  • Hoặc hướng lập ý theo trình tự thời gian, không gian, …

*Bước 3: Lập dàn ý (bố cục)

– Mở bài: Nêu vấn đề cần bàn luận.

– Thân bài: Trình tự các luận điểm đã chọn để làm rõ và hướng tới vấn đề đã nêu trên.

– Kết bài: Khẳng định vấn đề vừa bàn luận. Nêu bài học, liên hệ bản thân.

*Bước 4: Viết bài & Sửa bài

– Tập viết từng đoạn (chú ý câu chuyển tiếp các đoạn, lập luận chặt chẽ, khúc chiết)

– Hoàn thành bài văn & sửa chữa.

Hãy thực hành làm các đoạn văn nghị luận, rèn luyện các thao tác lập luận để từng bước chiếm lĩnh phương pháp làm văn nghị luận và tự tin trước mỗi đề văn nghị luận.

Một số đề văn nghị luận tham khảo:

Đề 1: Lòng nhân đạo của con người.

Đề 2: Suy nghĩ về những hủ tục làm trì trệ sự phát triển văn hóa của đất nước.