HỌC TRÒ HỎI GS. NGUYỄN LÂN DŨNG: THỜI ĐẠI 4.0 CON CÓ BỊ THẤT NGHIỆP KHÔNG? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

HỌC TRÒ HỎI GS. NGUYỄN LÂN DŨNG: THỜI ĐẠI 4.0 CON CÓ BỊ THẤT NGHIỆP KHÔNG? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 9 11, 2018 - 22:30
Tháng tư 14, 2024 - 00:10
 0  23
HỌC TRÒ HỎI GS. NGUYỄN LÂN DŨNG: THỜI ĐẠI 4.0 CON CÓ BỊ THẤT NGHIỆP KHÔNG? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

GS. Nguyễn Lân Dũng

“Chắc chắn tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên nếu chúng ta buông xuôi mặc cho số phận, chấp nhận làm thuê bằng sức lao động chắc chắn sẽ thất nghiệp”.

HS: “Trong thời đại 4.0, khi máy móc thay thế sức lao động con người, vậy vai trò của chúng em như thế nào trong thời đại đó? Chúng em phải làm gì trong thời đại 4.0?”

Trước câu hỏi hay, Nhà Giáo Nguyễn Lân Dũng cho rằng:

“Các em phải thích nghi với thời đại đó.

Bởi, sau này sẽ không còn công nhân dệt may nữa, không còn công nhân đóng giày da nữa và cũng sẽ không còn công nhân SAMSUNG chuyên lắp ráp điện tử một cách thô sơ nữa.

Các em phải hiểu rằng, giá trị của một sản phẩm chỉ còn 30% từ nguyên liệu còn lại 70% là trí tuệ mang lại”.

Để giúp các em học sinh dễ hiểu hơn cần làm gì trong thời đại mới, ông Nguyễn Lân Dũng cho ví dụ:

“Tôi đến Quảng Châu – Trung Quốc thăm gia đình nông dân trồng nấm, rất ngạc nhiên khi hai người trồng nấm rơm mà buổi sáng có mấy ô tô tải đến thu mua.

Vì sao chỉ hai người nông dân nhưng có thể sản xuất được lượng nấm lớn đến vậy?

Kinh nghiệm này tôi đã thu được từ chuyến đi đó và muốn các em học lắm. Đó là, chúng ta cần phải đổi mới công nghệ trồng nấm rơm.

Hai người nông dân đó không trồng nấm rơm như ở nước ta hiện nay, mà họ trồng nấm rơm theo cách như ta trồng nấm mỡ.

Tôi đã viết cuốn công nghệ trồng nấm trong đó có quy trình trồng nấm mỡ. Em nào trồng chỉ cần đọc sách theo quy trình trồng nấm mỡ và áp dụng để trồng nấm rơm.

Điểm khác biết nấm mỡ ủ đất, nấm rơm không ủ đất thôi”.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm:

“Ví dụ đó để các em hiểu được, nhà mình có 3 sào ruộng, thu được bao nhiêu tiền và nếu mua gạo về ăn sẽ mất bao nhiêu tiền?

Trong thời đại 4.0 các em phải nghĩ được, xem mảnh đất nhà mình trồng gì phải xuất khẩu được.Vừa được nhiều tiền lại vừa đem lại ngoại tệ cho đất nước. Đây là ví dụ đơn giản việc các em có thể làm trong thời đại 4.0”.

Tiếp tục trả lời câu hỏi các em làm gì trong thời đại 4.0, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ thêm:

“Em nào học công nghệ thông tin thì sáng tạo ra phần mềm như Uber hay Grab…

Phần mềm mình đem bán cho nhiều nước để thu về ngoại tệ.

Tóm lại, sẽ có rất nhiều con đường dẫn tới thành công cho các bạn học sinh – những người chủ tương lai của đất nước.Miễn là, các em phải có ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ mới và không ngừng phấn đấu vươn lên”.

Theo Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, một người muốn thích nghi và thành công trong thời đại 4.0 cần phải đặt cho mình mục tiêu của cuộc đời để phấn đấu.

Khi đã có mục tiêu thì cần cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện mục tiêu. Phải lập được kế hoạch cả đời, kế hoạch theo năm, theo ngày để làm sao đạt được mục tiêu đó”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đưa ra ví dụ:

“Thời tôi ra trường không biết gì về ngoại ngữ nhưng tôi đã đặt mục tiêu dịch cho tôi dịch hai cuốn sách.Vì mục tiêu, nên tôi tự học ngoại ngữ. Học những từ đơn giản rồi mới đến học cấp độ khó. Với sự tự học không ngừng vươn lên, nên đến nay tôi sử dụng được 4 ngoại ngữ.

Khi ra trường, tôi chưa từng nghiên cứu khoa học bao giờ, rồi rủ mọi người lập cơ quan nghiên cứu, lập dự án, đăng ký với nhà nước đề tài nghiên cứu”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tiếp:

“Tôi chưa đi bộ đội nhưng lại phục vụ bộ đội.

Năm 1971, trong chiến tranh chống Mỹ (1971), chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, thương binh rất nhiều.Nhiều người bị bom phải cưa chân. Cái đùi bị cưa thành mỏm cụt rất đau đớn.Có một vi khuẩn đó là vi khuẩn mủ xanh, con này kháng thuốc nó nhiễm vào mạch máu chắc chắn chết – gọi là nhiễm trùng máu.

Đơn vị chúng tôi quyết tâm nghiên cứu con vi khuẩn này và tôi vào viện 108 hợp tác cùng nghiên cứu chống vi khuẩn mủ xanh.Cuối cùng đã nghiên cứu thành công và Bộ Quốc phòng đã đưa ê kíp vào tận Đường 9 – Nam Lào để trực tiếp chữa bệnh.

Chúng tôi đã nuôi nấm men trong can nhựa. Các anh bộ độ đã dùng bí đỏ và đường trong can nhựa lắc đều để cho nấm men mọc trong can nhựa. Sau đó, mọi người múc dội vào vết thương, kết quả chỉ cần hai ngày vi khuẩn mủ xanh đã mất đi. Thành quả là đã cứu rất nhiều thương binh bằng phương pháp rất đơn giản như thế”.

HS: “Hiện tại dân số ngày càng tăng lên, công nghệ 4.0 thì máy móc sẽ thay sức lao động của con người vậy tỉ lệ thất nghiệp có tăng lên không?”.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng:

“Chắc chắn tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên nếu chúng ta buông xuôi mặc cho số phận. Nếu chúng ta chấp nhận làm thuê bằng sức lao động chắc chắn chúng ta sẽ thất nghiệp”.

Chuyên gia này nhấn mạnh:

“Chúng ta phải lao động bằng trí tuệ. Trong thời đại công nghệ 4.0 sẽ có vô số ngành mới mở ra.Các em sẽ có việc làm mới bằng công nghệ mới mà các em tiếp thu được.

Các em không chỉ làm việc trong nước, các em còn đi nước ngoài lao động mà không phải làm chân tay mà làm việc bằng khả năng, kỹ năng có được.

Thế hệ của các em phải học tập giỏi, học công nghệ mới, không chỉ phục vụ cho nước mình mà còn đi nước ngoài triển khai công nghệ mới”.

HS: “Giáo sư có nói là trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ phát triển đột phá theo hàng số mũ chứ không phải theo hàng số tự nhiên, điều này có nghĩa Việt Nam đã chậm so với thế giới rất là nhiều.

Vậy, Chính phủ Việt Nam đã làm gì, sẽ làm gì để giúp đỡ cho các em? Liệu rằng, các trường đại học ở Việt Nam có thay đổi cách dạy học để giúp đỡ cho các sinh viên mới trong thời kỳ hội nhập không?”

“Tôi xin giới thiệu, tôi làm Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và phát triển nhân lực.Cho nên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi của em.

Một là, chúng ta đang ưu tiên phát triển công nghệ cao và công nghệ cao đang tiếp nhận mọi trí tuệ của người Việt để thực hiện những công nghệ đột phá.

Khu công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội) đang có các các tri thức không chỉ trong nước mà còn tri thức người nước ngoài ở Việt Nam về đây nghiên cứu.

Chúng ta có 4 trăm nghìn các nhà khoa học Việt Nam làm việc ở tất cả các trung tâm khoa học tiên tiến trên thế giới.

Hầu như lĩnh vực nào trên thế giới cũng có người Việt Nam kể cả làm máy bay, vệ tinh và những ngành khoa học mũi nhọn khác.

Chúng ta đang kêu gọi những trí thức Việt kiều hợp tác để đưa công nghệ tiên tiến vào Việt Nam.

Hiện đã có hàng vạn học sinh đi học nước ngoài. Đó là lớp trí thức sẽ trở về xây dựng đất nước.

Chính phủ quan tâm, lo lắng việc xây dựng đội ngũ tri thức, các nhà khoa học trẻ nếu đăng được bài báo ở tạp chí nổi tiếng thì được Chính phủ tặng tiền thưởng.

Chúng ta cũng đang chứng kiến cuộc thay đổi nội dung giảng dạy ở bậc phổ thông và đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng các chương trình mới, chương trình đó hiện đại, phát huy được trí tuệ của tất cả các em”.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng:

“Chính phủ đã làm nhưng có thành công hay không là ở các em. Các em phải bước vào thời kỳ 4.0 với tâm thế của những người chủ, những người tự tin, mạnh dạn tiếp thu khoa học công nghệ mới.

Các em hãy tin tưởng, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tạo ra một cái khung mới về khoa học, giáo dục cho các em. Các em là người chủ tương lai, người thực hiện quá trình đổi mới đất nước”.

Theo giaoduc.net.vn