HS ĐÀO THU HUYỀN (LỚP 9A THCS ĐÀO DUY TỪ) CHIA SẺ VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
HS ĐÀO THU HUYỀN (LỚP 9A THCS ĐÀO DUY TỪ) CHIA SẺ VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Ai cũng biết rằng sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Sách giống như người thầy vĩ đại, dạy ta những điều hay, lẽ phải. Hơn nữa, sách dù nằm trên kệ, quay lưng với ta nhưng vẫn là một người bạn tốt, không bao giờ bỏ rơi ra. Mình tin rằng, không ai thành công mà không đọc sách. Bởi giống như Victor Hugo đã nói: “Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời.” Khi họ đã được trải nghiệm, học hỏi từ câu chuyện của những mảnh đời khác, họ sẽ rút ra được những bài học quý báu, sau đó từng bước, từng bước tiến đến kết quả họ mong muốn. Đối với học sinh chúng ta, sách càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa. Nó không chỉ đem đến nhiều kiến thức mới, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, gây dựng thói quen, phẩm chất tốt đẹp.
Vậy sách là gì?
Sách là công cụ dùng để ghi chép, lưu trữ, mang những hiểu biết của con người về thế giới xung quanh, đôi khi còn mang theo trí tưởng tượng phong phú, đa dạng… Đồng thời sách cũng là kho tàng cất giữ những di sản tinh thần vô giá của nhân loại. Sách được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Sách được phân thành nhiều thể loại như sách khoa học, sách văn học, sách kĩ năng, truyện tranh, tiểu thuyết… Mỗi đối tượng khác nhau sẽ chọn các thể loại sách khác nhau. Vì vậy, việc chọn sách để đọc sao cho phù hợp với mục đích là việc vô cùng quan trọng.
Vì sao cần phải đọc sách?
Sách lưu trữ nguồn tri thức vô tận. Từ những nhận thức đơn sơ từ thời cổ đại đến những thành tựu khoa học hiện đại đều được lưu trong sách. Sách còn giúp ta vượt qua khoảng cách địa lí, đưa ta đến những vùng đất xa xôi với những đặc sắc văn hóa riêng biệt. Qua một vài cuốn sách, ta có thể đi vòng quanh thế giới xinh đẹp này. Thậm chí, sách còn có thể đưa ta bay vào vũ trụ bao la rộng lớn, đến với những vì sao xa xôi, đẹp đẽ kia. Sách cũng có thể đưa ta quay trở về quá khứ. Sách đưa ta đến những vùng đất xinh đẹp trong trí tưởng tượng của tác giả về những điều kì diệu.
Sách hình thành, bồi dưỡng phát triển nhân cách. Sách là liều thuốc tốt nhất cho não bộ, tâm hồn của chúng ta. Sách dạy cho ta các đối nhân xử thế, sống có trách nhiệm hơn. Qua những câu chuyện, những mảnh đời, sách cho ta một cái nhìn hoàn thiện nhất về cuộc đời đa sắc màu ngoài kia. Giúp ta hiểu ra rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng tươi đẹp, không phải ai cũng được hạnh phúc, đủ đầy,… Từ đó nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cao nhận thức của chúng ta, phát triển những ước mơ cao đẹp, có ích cho cuộc sống. Bên cạnh đó, sách còn bồi dưỡng những kĩ năng quan trọng cho ta. Những kĩ năng như xử lí tình huống, kiềm chế và chi phối cảm xúc, sự tự tin, tính tự lập… đều là những kĩ năng cần thiết trong ba lô hành trang vào đời. Chúng đều nằm gọn trong những trang giấy trắng ấy.
Sách giúp ta rèn luyện, mở rộng vốn từ. Điều này rất quan trọng đối với học sinh chúng ta. Nó không chỉ giúp ta học văn tốt hơn mà còn giúp ta đạt hiệu quả cao trong giao tiếp ứng xử.
Sách còn là một công cụ giải trí hiệu quả và tiết kiệm. Một cuốn sách hay sẽ xóa tan mọi bộn bề lo toan, áp lực cuộc sống. Chúng ta hoàn toàn có thể thư giãn bằng những câu chuyện cười, những cuốn truyện tranh hay những cuốn tiểu thuyết thay vì chọn những thú vui với đồ dùng công nghệ, hiện đại nhưng có hại cho mắt.
Các bước đọc sách hiệu quả
Đầu tiên, chúng ta cần tự xác định cho bản thân mục đích đọc, từ đó chọn những cuốn phù hợp nhất. Một số người vì bỏ qua bước này, nên đôi khi, họ mua về nhưng chẳng bao giờ đọc, còn cuốn sách cũng chỉ lẳng lặng nằm yên trên giá. Khi bạn đã có cuốn sách phù hợp trên tay, hãy đọc lướt qua nó một lần để nắm bắt nội dung chính. Sau đó mở phần mục lục, chọn ra những phần bạn cảm thấy quan trọng nhất để đọc trước. Tiếp đó, hãy nhớ lại những gì đã đọc. Đây là bước nhiều người bỏ quên mất, nhưng nó lại đóng một vai trò quan trọng. Bước tiếp theo là hãy đọc trọn vẹn cuốn sách. Cuối cùng, bạn cần phải vận dụng những gì học được vào thực tiễn. Đây là bước quan trọng nhất. Bởi nếu bạn không thực hiện bước này, tất cả kiến thức bạn học được chỉ là của tác giả, và thời gian bạn bỏ ra chỉ lãng phí mà thôi.
Trên đây là các bước đọc sách mình học được sau khi tìm hiểu các nguồn thông tin trên mạng. Đây cũng là một trong những các đọc sách phổ biến nhất được mọi người sử dụng. Hiện tại, mình vẫn áp dụng những bước này đối với các cuốn sách kĩ năng, thiên về tư duy, logic và thấy nó rất hữu dụng.
Làm thế nào để yêu sách?
Có rất nhiều người biết đến những công dụng, vai trò của sách nhưng vẫn không thích sách. Mình hồi trước cũng vậy. Dù biết đọc sách là một thói quen tốt nhưng nhìn thấy cuốn sách nào dày khoảng vài trăm trang là hết muốn đọc rồi. Nhà văn người Anh J.K.Rowling, tác giả của bộ truyện nổi tiếng “Harry Potter” đã từng nói “Nếu bạn không thích đọc sách, là vì bạn chưa tìm ra cuốn sách của đời mình thôi”. Vì vậy đừng lo lắng, đừng nghĩ là vì mình ‘không có duyên với sách’. Hãy tìm đọc một vài cuốn sách kinh điển, chắc chắn rằng sau một thời gian bạn sẽ thích sách mà thôi. Bạn cũng đừng bắt bản thân phải đọc hết một cuốn sách trong một khoảng thời gian ngắn. Hãy khởi đầu thật nhẹ nhàng, mỗi ngày đọc 10 trang chẳng hạn, rồi sau đó dần dần nâng lên 20, 30, 40… Dần dần, bạn yêu sách mà thôi.
Những cuốn sách đã mang đến một vài sự thay đổi đối với cuộc sống của bản thân mình
Đầu tiên là bộ truyện “Harry Potter” của nhà văn J.K.Rowling. Đây chính là bộ sách đã khơi dậy niềm yêu thích đối với sách của một bạn học sinh đã từng không muốn đụng đến bất kì cuốn sách dày hơn 100 trang. Bộ truyện gồm 7 cuốn sách, dày tổng cộng hơn 4000 trang, kể về 7 năm học tập tại trường phép thuật Hogwarts của cậu bé Harry Potter và những người bạn của cậu. Trong 7 năm đó, Harry đã phải chiến đấu với chúa tể hắc ám Voldemort, người đã giết bố mẹ khi cậu mới được vài tháng tuổi. Mỗi nhân vật trong truyện đều đem đến một bài học riêng biệt. Tưởng rằng dài, nhưng sau khi đọc xong mới thấy sao bộ truyện lại ngắn đến như vậy. Bởi bạn sẽ vẫn còn muốn sống trong thế giới phép thuật; còn muốn xem những trận Quidditch nảy lửa; còn muốn thực hiện những bùa chú, học những bài học về cách pha chế độc dược; còn muốn chứng kiến những cuộc đấu tay đôi gay gấn; còn muốn học nhiều điều hơn từ thế giới kì diệu ấy…
“Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” – Adam Khoo. Cuốn sách đã giải thích cho người đọc hiểu rằng ai cũng sở hữu một bộ não thiên tài. Con người chỉ hơn nhau việc sử dụng bao nhiêu phần trăm của bộ não mà thôi. Nó còn đưa ra những giải pháp học tập hiệu quả, các công cụ học như sơ đồ tư duy, trí nhớ siểu đẳng, cách quản lí thời gian… Cuốn sách này đã tiếp thêm động lực, sự tự tin và lòng quyết tâm học tập của Mình.
Cuốn “Không gia đình” – Hector Malot. Cuốn sách kể về cuộc đời của một cậu bé bị bỏ rơi tên là Rê-mi. Cậu được chăm sóc trong vòng tay yêu thương của một người mẹ nuôi. Cho đến một ngày người chồng của má làm việc ở Pa-ri bị tai nạn và tàn phế trở về,Rê-mi được đưa cho một gia đình nghèo nuôi,sau đó Rê-mi đi theo gánh xiếc của cụ Vi-ta-li để làm thuê. Hai người đã đi lang thang khắp mọi miền nước Anh và Pháp trình diễn xiếc để kiếm sống. Cuối cùng, cậu đã tìm thấy gia đình của mình. Còn nhỏ tuổi nhưng cậu lại từng trải qua rất nhiều gian khổ, khi thì chết đói, lúc lại chết rét, khi thì bị vu oan, có khi lại bị trôn vùi trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Nhưng trong cậu bé vẫn ánh lên những phẩm chất tốt đẹp, đáng quý. Từ đó đã đem đến rất nhiều bài học bổ ích, quý báu.
Bên cạnh đó là rất nhiều cuốn sách khác như Đắc nhân tâm, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Tuổi thơ dữ dội, Con chó nhỏ bên giỏ hoa hồng, Khi hơi thở hóa thinh không… đều rất đáng đọc.
Sách tuy có hình thức giản đơn, chỉ là những tờ giấy xếp chồng lên nhau, được đóng thành tập nhưng bên trong lại mở ra cả một biển tri thức rộng lớn. Hãy đọc sách, yêu sách và có những thay đổi tích cực. Bởi “ Sách có thể cứu rỗi cả đời bạn” – Emma Watson!
Đào Thu Huyền