10 SỰ KIỆN CỦA NGÀNH GIÁO DỤC NĂM 2017 DO GIÁO VIÊN BÌNH CHỌN - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

10 SỰ KIỆN CỦA NGÀNH GIÁO DỤC NĂM 2017 DO GIÁO VIÊN BÌNH CHỌN - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng một 1, 2018 - 22:18
Tháng tư 14, 2024 - 20:47
 0  21
10 SỰ KIỆN CỦA NGÀNH GIÁO DỤC NĂM 2017 DO GIÁO VIÊN BÌNH CHỌN - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Năm 2017 đã đi qua, nhìn lại một năm hoạt động của ngành giáo dục với rất nhiều những sự kiện được báo chí đặc biệt quan tâm khiến chúng ta suy ngẫm nhiều điều.

Bỏ biên chế giáo dục

Tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định (ngày 12/5/2017), Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết:

“Hướng tới Bộ sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Các thầy cô sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng, có vào và có ra”.

Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng đã có hàng trăm bài viết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng bày tỏ quan điểm không đồng tình với vị tư lệnh ngành.

Vì thế, trong lần họp Quốc hội sau đó, đã có một số ý kiến chất vấn Bộ trưởng Nhạ. Đến nỗi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải lên tiếng là Chính phủ chưa có chủ trươngbỏ biên chếtrong ngành giáo dục.

Bỏ sáng kiến kinh nghiệm

Việc Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức đã nhận được sự đồng tình của phần lớn các giáo viên đang giảng dạy trên khắp cả nước.

Bởi, Nghị định 88 đã bỏ tiêu chí:

“Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” khi phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành nhiệm vụ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017.

Việc giáo viên phải cósáng kiến kinh nghiệmmới được xếp loại từ mức hoàn thành nhiệm đã trở thành nỗi ám ảnh cho giáo viên trong những năm qua.

Nay, nội dung sửa đổi này sẽ giúp cho giáo viên đỡ áp lực cũng như chống được cái bệnh hình thức, giả dối nhưng vô cùng tốn kém mà phần lớn những sáng kiến này chẳng có tác dụng gì.

Hiện tượng “mưa điểm 10” trong kì thi trung học phổ thông quốc gia

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi và thống kê điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 khiến dư luận xã hội có những ý kiến trái chiều nhất là hiện tượng các bài thi của thí sinh có hàng ngàn điểm 10 mà dư luận xã hội gọi là “mưa điểm 10”.

Bởi theo thống kê của Bộ, kì thi quốc gia năm 2017 có tới 4.250 thí sinh đạt điểm 10 các môn thi (không tính trường hợp làm tròn), tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2015 và gấp hơn 60 lần so với năm 2016. Rõ ràng so với các năm trước nó trở thành một hiện tượng “lạ”.

Vì thế, vấn đề dư luận đặt ra là có phải đề thi nhẹ hơn hay việc chúng ta đổi hình thức từ tự luận sang trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) đã khiến cho học sinh dễ dàng lấy điểm hơn.

Điểm đầu vào sư phạm chỉ 9-10 điểm/3 môn

Sau kì thi Trung học phổ thông Quốc gia và các trường sư phạm thông báo tuyển sinh.

Nhiều trường cao đẳng sư phạm chỉ thông báo mứcđiểm chuẩn là 9-10 điểm/ 3 mônđã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi lo lắng với đầu vào thấp như vậy thì tương lai 3-4 năm sau những học sinh trung bình, sẽ trở thành thầy cô giáo, liệu có đảm đương được trách nhiệm của người thầy hay không?

Thế nhưng, nếu không tuyển những thí sinh như vậy thì các trường sư phạm lấy đâu nguồn mà đào tạo. Và nếu không đào tạo thì nhà trường, giảng viên không thể duy trì được hoạt động của mình.

Thông qua chương trình giáo dục tổng thể.

Sau nhiều năm chuẩn bị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông quachương trình giáo dục phổ thông tổng thểvào cuối tháng 7.

Mặc dù Bộ và những người biên soạn nói về những cái hay, cái mới của chương trình, sách giáo khoa của lần thay đổi này nhưng dư luận chưa hề yên tâm bởi có rất nhiều những bất cập về môn học, về kinh phí thực hiện. Điều này đã được các đại biểu Quốc hội tranh luận trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Ai cũng biết, sự thay đổi sách giáo khoa là tốn kém vô cùng, sự tốn kém phải đi liền với sự thay đổi chất lượng giáo dục. Nhưng, mục tiêu và triết lý giáo dục chưa rõ ràng thì vấn đề băn khoăn của dư luận là không thể tránh khỏi.

Chuyện 1 sách 3 thày

Ngay sau khi chương trình tổng thể được công bố về chương trình trung học cơ sở sẽ gộp một số môn thành môn học tích hợp đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm của độc giả.

Hàng loạt các bài viết đã phân tích, phản biện về sự không hợp lí của các môn học tích hợp khi mà ngành giáo dục chủ trương gộp các môn học độc lập thành môn học mới nhưng vẫn là 2-3 giáo viên dạy một môn học.

Dù đã được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và nhiều cộng sự của ông trả lời nhưng nhiều người vẫn chưa đồng tình.

Rõ ràng, ban biên soạn làm đúng với Nghị quyết 88 của Quốc hội nhưng lại chưa khoa học và có lẽ còn đánh đồng khái niệm giữa việc “tích hợp” và “gộp” môn học.

Đề xuất thay đổi tiếng Việt

Việc Phó Giáo sư Bùi Hiền – Nguyên phó hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đưa ý kiến sửa đổichữ quốc ngữhiện hành đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi trái ngược nhau.

Chuyện đề xuất thay đổi chữ viết hiện hành của chúng ta hôm nay vẫn là chuyện của tương lai sau này.

Không dễ gì mà những đề xuất của tác giả Bùi Hiền được thực hiện ngay được.Hơn nữa, đây cũng chỉ là một phần của công trình nghiên cứu của tác giả.

Việc cộng đồng mạng “ném đá” theo trào lưu một người thầy đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” cho ta thấy một thực trạng văn hóa tranh luận.

Thế nhưng, có một điều mà nhiều người không muốn hiểu là với một người đã 83 tuổi mà còn khát khao với những ước mơ và đam mê của mình…Chỉ thế thôi, cũng đáng cho chúng ta phải suy ngẫm lắm rồi!

Đề xuất bỏ tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khao ngữ văn lớp 11

Sự kiệnanh Nguyễn Sóng Hiền-một nghiên cứu sinh đã đưa ra đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa đã nhận được hàng trăm ý kiến, bài viết của giới nghiên cứu và các thầy cô giáo dạy Văn ở các nhà trường.

Nhiều người cho rằng ý kiến của anh non nớt, thô thiển và là “kẻ đốt đền”.Tuy nhiên, đây vẫn là ý kiến được nhiều người đồng tình và bảo vệ. Bởi, suy cho cùng người nêu vấn đề và người phản biện vấn đề lại đi trên 2 con đường hoàn toàn khác nhau.

Dự thảo luật giáo dục: Lương nhà giáo cao nhất trong khối sự nghiệp

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục hiện hành đã làm nóng các phương tiện thông tin đại chúng.

Đó là việc “Lương của nhà giáođược xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin này được đưa ra thì nhiều ý kiến cho rằng đó là “bánh vẽ”; “đãi bôi” bởi nó không thể nào đi vào hiện thực.

Hiện cả nước có trên 1 triệu giáo viên, trong khi ngân sách nhà nước eo hẹp thì tiền đâu để tăng lương cho nhà giáo?

Qũy lương thì như một “tấm chăn hẹp” mà ngành giáo dục đề nghị như vậy thì những ngành nghề khác sẽ ra sao?

Việc tăng lương cho giáo viên như dự thảo Luật Giáo dục là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để giáo viên toàn tâm, toàn ý chăm lo cho giáo dục và đổi mới giáo dục. Nhưng không thể tăng lương khi mà lực lượng biên chế ngành quá nhiều, nhiều cán bộ quản lý nhưng làm việc không hiệu quả, dư thừa.

Đề xuất bỏ phòng giáo dục của thầy giáo Bùi Nam

Mới đây, trong bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Nam đã đề xuất nêngiải tán phòng giáo dụcquận, huyện để lấy tiền tăng lương cho giáo viên, từ đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường.

Ngay sau khi kiến nghị này được đăng tải, nhiều người bày tỏ sự đồng tình bởi thực tế ngành giáo dục hiện nay đơn thuần chỉ quản lí về chuyên môn.Trong khi lại thường xuyên gây khó khăn cho cơ sở.

Dù đề xuất cũng chỉ mới dừng lại ở…đề xuất thôi nhưng rõ ràng đã cho ta thấy một sự thực là vai trò, trách nhiệm của cấp trung gian là phòng giáo dục đang có nhiều những bất cập.

Vì vậy, nếu vẫn duy trì thì các cấp lãnh đạo cũng cần xem lại hiệu quả công việc cũng như sắp xếp lại bộ máy nhân sự gọn nhẹ để cấp lãnh đạo này có thể phát huy tốt vai trò cầu nối của mình giữa sở giáo giáo dục với các đơn vị cơ sở.

Và, hi vọng…..

Năm 2017 đã khép lại với ngổn ngang những sự kiện xảy ra với ngành giáo dục nước nhà.

Năm 2018 mở ra với nhiều hi vọng mới.

Hi vọng về một chương trình giáo dục phổ thông mới được chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng.

Hi vọng về việc hoàn thiện những bộ sách giáo khoa khoa học, không có những sai sót, hạn chế, không phải chỉnh sửa, bổ sung như sách giáo khoa hiện hành.

Hi vọng về việc ngành chấn chỉnh được tình trạnglạm thuở các nhà trường và hạn chế tối đa tình trạng trạng bạo lực học đường.

Hi vọng đội ngũ lãnh đạo ngành toàn tâm, toàn ý với ngành.

Hi vọng đội ngũ thầy cô giáo phát huy thế mạnh của mình để đào tạo nên những thế hệ học trò có tri thức, nhân cách tốt nhằm đảm đương được sứ mệnh, sự nghiệp nước nhà trong tương lai…

Hi vọng, một năm mới ngành giáo dục toàn những chuyện điển hình, tiêu biểu…để mọi người trong cả nhìn vào ngành giáo dục để…hi vọng.

Nguyễn Cao
(Giaoduc.net.vn)