ĐỀ THI THỬ VÀO 10 MÔN VĂN (Đề số 3) – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
ĐỀ THI THỬ VÀO 10 MÔN VĂN (Đề số 3) – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 THPT
Thời gian làm bài: 120 phút
PHẦN I (6,0 điểm)
Từ một câu chuyện riêng, bài thơ cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm của con người đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước bình dị.
1. Nhận xét trên ứng với một bài thơ đã học. Đó là bài thơ nào, do ai sáng tác?
2. Hình ảnh nhân hóa nào xuất hiện xuyên suốt bài thơ kể trên? Vì sao hình ảnh đó cũng là ẩn dụ?
3. Tình cảm biết ơn quá khứ, quê hương, đất nước, nhớ về cội nguồn là một đề tài quen thuộc của thơ ca. Hãy kể tên 2 bài thơ Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn 9 cũng viết về đề tài ấy và ghi rõ tên tác giả.
4. Từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong bài thơ trên, hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về lối sống vô ơn bạc nghĩa trong xã hội ngày nay. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần phụ chú và phép thế. (gạch dưới thành phần phụ chú và từ ngữ dùng làm phép thế)
PHẦN II (4,0 điểm)
Cho đoạn văn sau:
Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.
1. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai?
2. Hãy tìm các thành ngữ trong lời người phụ nữ xấu số đó.
3. Từ tác phẩm trên, hãy viết một đoạn văn 15 câu theo phép lập luận diễn dịch để làm rõ vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Vũ Nương.