AN TOÀN TRÊN MẠNG INTERNET – PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
AN TOÀN TRÊN MẠNG INTERNET – PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Quốc Phong đưa ra những con số thực tế cứ 1 trong 4 trẻ đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; cứ 1 trong 3 trẻ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Bên cạnh đó, mỗi ngày có hơn 720000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng.
Thầy cô giáo và nhà trường không thể ngăn cấm trẻ em tiếp xúc với Internet, điều chúng ta cần là giáo dục cho các em biết cách xử lý và đối mặt với các rủi ro để tự bảo vệ mình trong môi trường mạng rộng lớn. Điều này cũng tạo nền tảng kỹ năng để các em phát triển lành mạnh, tự chủ, tự bảo vệ bản thân trong cuộc sống hiện tại.
Chia sẻ về phương pháp, cách thức giảng dạy “An toàn trên mạng Internet” trong nhà trường, Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD nhấn mạnh đến phương pháp sử dụng ngôn ngữ của trẻ; trao đổi với trẻ thay vì dạy; cho trẻ học qua trải nghiệm; đưa ra những số liệu, bằng chứng đáng tin cậy; có thông điệp rõ ràng và thực tế; và cần tế nhị khi điều hành các hoạt động học tập về xâm hại một cách tế nhị.
Theo Giám đốc MSD “Học hỏi là một trong các yếu tố quan trọng khi chúng ta kể cả giáo viên hay gia đình hướng dẫn trẻ em an toàn trên mạng internet. Trẻ em hiện giờ thích ứng với công nghệ rất nhanh và người lớn có thể còn không theo kịp. Chính vì thế, nói là giảng dạy “An toàn trên mạng internet” trong nhà trường nhưng thực ra chính là trao đổi, chia sẻ và cùng thảo luận các phương án hoặc các hành vi tốt nhất để thích ứng và đối phó với những rủi ro tác hại của internet”.
Internet đang ngày càng trở nên phổ cập và không ngừng phát triển. Bên cạnh những lợi ích tích tực thì nó cũng có thể mang đến những tác hại khôn lường, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Nếu các bậc cha mẹ biết cách cho trẻ sử dụng internet thì trẻ sẽ sớm phát huy trí não của mình tiếp cận với thế giới bên ngoài sớm hơn, nhưng nếu ngược lại có thể trẻ sẽ gặp nguy hiểm từ chính công cụ này.
Trẻ nhỏ có thể gặp những rủi ro phát sinh từ tâm sinh lý, nếu chúng truy cập một trang web có nội dung dành cho người lớn hay chứa vấn đề tình dục. Những rủi ro về mặt thân thể, khi con bạn đăng tải những hình ảnh chi tiết mang tính cá nhân ở trên các trang web.
Bên cạnh đó, Internet cũng khiến trẻ giảm thời gian vận động, hạn chế khả năng phát triển cảm xúc, quan hệ xã hội và sự tập trung, hay cáu gắt, bực bội. Việc trẻ ngồi tại chỗ liên miên và phải vận động tư duy quá lâu, khiến không ít trẻ đã sớm mắc những căn bệnh của giới văn phòng như: mệt mỏi, stress, khó thở…
Internet cũng dễ dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống, trẻ có xu hướng che đậy khó khăn, dễ bị dụ dỗ qua mạng xã hội và dễ lệ thuộc vào các ứng dụng công nghệ.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho biết, đối với trẻ nhỏ, Internet là một thế giới vô cùng mới mẻ và đầy hấp dẫn. Đó là nơi để chúng giải trí, thể hiện bản thân, bộc lộ những cảm xúc mà nhiều khi chúng thấy khó khăn khi chia sẻ với bố mẹ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, internet cũng bộc lộ một số điểm tiêu cực, nó hạn chế khả năng giao tiếp của trẻ với thế giới bên ngoài, giảm thiểu thời gian tham gia các hoạt động thể chất, lười bộc lộ cảm xúc, chia sẻ với mọi người trong cuộc sống thực.
Theo bà Hiền, nhiều bậc cha mẹ vẫn quan niệm rằng máy tính là một công cụ học tập hiệu quả và vô hại với trẻ. Họ cho rằng trẻ nhỏ sẽ tránh được những mối nguy hiểm từ bên ngoài nếu ở nhà hoặc ở trong phòng riêng và chơi cùng chiếc máy vi tính. Tuy nhiên, chính bởi suy nghĩ này mà họ đã thất bại trong việc đưa ra những phương pháp an toàn cho con mình trong việc sử dụng Internet.
Do đó, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền đã đưa ra những lời khuyên cho các bậc cha mẹ trong việc chỉ dạy trẻ biết cách sử dụng Internet một cách an toàn nhất như sau:
– Luôn luôn nhắc nhở trẻ về 4 nguyên tắc an toàn khi truy cập internet, đó là: không cho biết thông tin cá nhân, không gặp gỡ người lạ, không dùng chung password, có sự quy định về thời gian sử dụng Internet.
– Khéo léo thảo luận, nhắc nhở con để xây dựng các quy ước trước khi sử dụng, cho con biết những nguy hiểm có thể mắc phải để con nâng cao cảnh giác.
– Chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với máy tính có giới hạn, kiểm soát thời gian và các hoạt động của trẻ trên máy một cách chặt chẽ, định hướng cho trẻ mục đích sử dụng máy tính đúng mục đích học tập và giải trí lành mạnh.
– Quan tâm đến thời gian ăn ngủ, sinh hoạt của trẻ, tránh để trẻ vì quá mải mê mà quên mất thói quen sinh hoạt điều độ.
– Cha mẹ nên trao đổi thẳng thắn với trẻ tất cả mọi thứ liên quan đến thế giới ảo. Khuyến khích trẻ sử dụng internet an toàn, tích cực. Nói chuyện cởi mở với trẻ về những thách thức của mạng, những tình huống khó khăn có thể phát sinh. Nêu ra vài cách giải quyết và đảm bảo rằng bạn sẽ luôn bên cạnh khi con bạn cần.
– Cần phải tìm hiểu về internet để có thể kiểm soát được nội dung truy cập của trẻ. Thường xuyên trao đổi với các vị phụ huynh khác về những cách thức giáo dục, kiểm soát con cái, kết nối với nhà trường…
– Giúp trẻ cân bằng cuộc sống thật và cuộc sống trên Internet bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội. Từ đó trẻ sẽ có nhận thức rõ ràng về bản thân và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với người khác trong xã hội, rèn luyện được tính tự lập, có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị từ những va chạm thực tế.
–Cha mẹ có thể cài đặt một phần mềm bảo vệ trong máy vi tính để nhằm giúp con tránh những trang web có nội dung xấu.
Tổng hợp